Ngân hàng - Bảo hiểm
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Có ngăn được sở hữu chéo, sân sau, sân trước?
Nguyễn Lê - 13/05/2023 08:25
Dù đã chậm so với yêu cầu, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng không chạy theo tiến độ, không ép ban hành bằng được, khi quy định tại Dự thảo chưa ngăn chặn được sở hữu chéo, “sân sau, sân trước”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (Dự thảo) tại Phiên họp thứ 23.

Sớm cũng mất… 13 tháng

Sau nhiều lần thúc giục, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (Dự thảo) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23 (tháng 5/2023).

Mới chỉ thẩm tra sơ bộ, song tại báo cáo có dung lượng 40 trang, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập, từ áp dụng pháp luật, cho đến những quy định cụ thể, nhất là nội dung về can thiệp sớm tổ chức tín dụng.

Lần sửa đổi này, Dự thảo bổ sung, sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước “can thiệp sớm” và bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp can thiệp sớm.

Theo đó, một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước “can thiệp sớm”. Ngân hàng nào có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này. “Cho vay đặc biệt” là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm trên.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, các quy định của Dự thảo chưa thể hiện đúng bản chất của việc can thiệp sớm, mà chủ yếu xử lý tình trạng tổ chức tín dụng đã gặp khó khăn rất rõ ràng, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, cần phải được hỗ trợ. Thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục can thiệp sớm trong Dự thảo là khá dài.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quy trình như Dự thảo, thì một ngân hàng yếu kém từ khi phát hiện ra đến khi đưa vào kiểm soát đặc biệt mất khoảng 13 tháng.

“Chúng tôi yêu cầu các chuyên gia tính toán, với quy định của luật này thì mất khoảng 13 tháng trong việc đưa ra quyết định thôi, chứ chưa nói là tổ chức thực hiện trong việc xử lý các ngân hàng, trong khi như Hoa Kỳ phát hiện ra rất nhanh và xử lý trong phút chốc. Ở đây, quy trình các thứ này khác về tài chính, tính sơ bộ là đến 13 tháng”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Cơ quan thẩm tra chỉ rõ, khác với luật hiện hành, Dự thảo cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt.

Tuy nhiên, Dự thảo chưa quy định cụ thể về thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản cho vay đặc biệt.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi khoản vay đặc biệt.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định khoản vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm, bởi về nguyên tắc, các tổ chức tín dụng phải bảo đảm khả năng thanh toán. Còn nếu không có bảo đảm sẽ không có tính cảnh báo, răn đe các ngân hàng thực hiện nghiêm túc điều kiện đảm bảo khả năng thanh toán do biết có thể được vay đặc biệt, dẫn đến hệ lụy rủi ro cho người cho vay và khách hàng.

Cơ quan thẩm tra cũng đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt.

“Cho vay đặc biệt lãi suất bằng 0%, mà không có tài sản đảm bảo nữa thì không biết thẩm quyền của ai?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Về khoản vay đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, Bộ Tài chính rất đồng tình với Ủy ban Kinh tế.

Phải đảm bảo chất lượng, không ép thời gian

Ngoài nội dung can thiệp sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ngành còn quan ngại về nhiều vấn đề, trong đó có việc luật hóa một số quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long dẫn Điều 181 của Dự thảo quy định nợ xấu bao gồm các khoản chi, khoản ghi nhận trong bảng cân đối kế toán, trong khi đó, theo nghiệp vụ xác định nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021, nợ xấu bao gồm các khoản nợ hình thành do nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan do vi phạm quy định về cấp tín dụng.

Để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, ông Long đề nghị chỉnh lý lại quy định về nợ xấu theo hướng chỉ khoanh vùng đối với các khoản nợ xấu hình thành do các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, khó khăn chung của nền kinh tế…, không áp dụng đối với khoản nợ xấu hình thành từ ý thức chủ quan của những hành vi vi phạm quy định kiểm soát hoạt động tín dụng, cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp hạn chế giới hạn cấp tín dụng mà chưa thu hồi được.

“Những trường hợp khách quan thì có thể khoanh, còn những trường hợp chủ quan thì cần phải tính toán”, ông Long nhấn mạnh.

Vẫn về nợ xấu, Điều 186 của Dự thảo quy định, các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định tại Điều 90, Luật Thi hành án dân sự.

“Đề nghị cân nhắc không quy định biện pháp hỗ trợ này vì chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long phát biểu.

Nhất trí với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: “Cho vay đúng luật, nhưng do rủi ro về kinh doanh mà có nợ xấu thì được ưu tiên xử lý nợ xấu đó, còn làm sai thì làm sao tôi lại lấy tiền của Nhà nước bù được. Cái đấy phải trừ vào vốn của chủ sở hữu, mà anh không tồn tại nữa, thì anh dẹp đi, không thể nào ứng xử như nhau được”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu làm trái pháp luật, gây thiệt hại tài sản, thì "không có khái niệm" hỗ trợ giải quyết.

Về thứ tự thanh toán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước là cần tính toán rất kỹ, chứ không thể ưu tiên hoàn toàn tiền thu được từ xử lý tài sản đảm bảo thanh toán cho tổ chức tín dụng. “Các quy định của Luật Thuế không quy định như thế”, ông Chi nhấn mạnh.

“Trước đây, tài sản phát mại thì tòa, viện có quyền tuyên để xử lý theo quy định pháp luật, ưu tiên thanh toán là thuế, bây giờ cũng phải theo trình tự đấy, chứ không phải thu được đồng nào là ngân hàng, tổ chức tín dụng lấy trước của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về mua bán nợ, lần sửa đổi này, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng cần được mở rộng, chứ không chỉ là những công ty 100% vốn nhà nước như Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hay Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

“Mua bán nợ là một ngành nghề kinh doanh, bất cứ anh nào cũng có thể làm được, chúng ta cho phép thành lập công ty mua bán nợ mà lại chỉ cho phép mấy anh này được thực hiện xử lý nợ xấu thôi, thì mấy anh kia làm gì có thị trường để hoạt động. Mọi thành phần kinh tế, kể cả trong nước và nước ngoài, kể cả DATC, VAMC và kể cả các tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ sau này thành lập ra, đều có thể tham gia mua bán, xử lý nợ xấu theo luật”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cho rằng, Dự thảo có phạm vi rộng lớn, khó, phức tạp, còn phải góp ý nhiều, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, không vì Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực vào năm sau “mà chúng ta ép ra cho bằng được luật này”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: “Tình hình bây giờ rất phức tạp, không khéo là hoạt động của các ngân hàng tiếp tục xấu, sửa luật cuối cùng không khắc phục được những tồn tại hiện tại, mà lại còn sinh ra những việc khác nữa thì rất đáng tiếc. Những việc như sở hữu chéo, sân sau, sân trước, thì luật này ra phải xử lý, ngăn chặn, hạn chế được, đáp ứng được thì trình, chưa đáp ứng được thì chưa trình”.

 

Chưa chốt việc sẽ trình Quốc hội dự thảo tại Kỳ họp thứ năm

Tham gia thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, bằng mọi cách phải làm cho Dự thảo đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm và thông qua tại Kỳ họp thứ sáu để thực hiện từ ngày 1/1/2024, như yêu cầu của Quốc hội.

Tuy nhiên, cuối phiên thảo luận, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ để Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức xem có đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm hay không.

 

Tin liên quan
Tin khác