Ngân hàng
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng trong năm 2023
Nguyễn Lê - 14/12/2022 22:02
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình công tác năm 2023.
Phiên họp chiều 14/12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực vào cuối năm 2023 thì Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng phải được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2024, tránh tạo khoảng trống pháp lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lưu ý như trên khi cho ý kiến về chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 14/12.

Theo dự kiến chương trình, trong năm sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 12 dự án luật, trong đó có những luật đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư. Như, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi)..

Luật Đất đai (sửa đổi) và kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật này dự kiến được xem xét vào phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023.

Một số dự án luật mới sẽ được xem xét như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Riêng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Văn phòng Chính phủ đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2023 để thực hiện đúng dự kiến tiến độ trong Nghị quyết số 530/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã có quá trình chuẩn bị sớm hồ sơ dự án Luật . Cụ thể là cơ quan chủ trì soạn thảo đã có đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thông qua tại kỳ họp thứ 5, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa Luật này trình Quốc hội vào năm 2023 để đồng bộ với việc sửa đổi Luật Đất đai.

Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật này tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3/2023 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng cũng cần được xem xét trong năm sau.

Bởi vì, Nghị quyết số 63 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023, giao Chính phủ nghiên cứu đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.

Do đó, ông Hải đề nghị làm việc với Chính phủ xem xét việc chuẩn bị về vấn đề này.

"Nghị quyết đã ra thì chúng ta phải đưa vào chương trình và đây là vấn đề mà đã được nghị quyết của Quốc hội quyết định. Tôi đề nghị bổ sung nội dung này, vì đây là nội dung hết sức thiết thực", Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hải phát biểu.

Sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực vào cuối năm sau thì Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng phải được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2024. Do đó phải đẩy sớm lên chứ không lại tạo khoảng trống pháp lý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Tin liên quan
Tin khác