Thời sự
Sửa Luật Dầu khí cần rõ vai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Nguyễn Lê - 14/04/2022 17:16
Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định đầy đủ, minh bạch vai trò, địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Cần rà soát, đánh giá thật đầy đủ vai trò, vị trí của PVN, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), chiều 14/4.

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều, giải quyết 6 nhóm chính sách.

Gồm, một là, bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; hai là, chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí.

Ở chính sách này đã bổ sung quy định về trường hợp phân cấp cho PVN phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí/kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí.

Quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên PVN phê duyệt một số nội dung theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của PVN cũng nằm trong chính sách này.

Ba là, quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.

Bốn là, chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.

Năm là, chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí.

Phần này bổ sung quy định PVN được sử dụng từ phần dầu, khí lãi của nước chủ nhà theo quy định tại hợp đồng dầu khí, trước khi xác định lãi dầu, khí của nước chủ nhà nộp ngân sách nhà nước, để thanh toán: các chi phí thuộc trách nhiệm của nước chủ nhà theo quy định tại hợp đồng dầu khí được PVN thực hiện thay; các nghĩa vụ đối với phần dầu, khí lãi của nước chủ nhà từ hợp đồng dầu khí do PVN thực hiện thay; chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí; chi phí duy trì hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Sáu là, chính sách quy định khung việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả hệ thống hạ tầng cơ sở sẵn có, tránh lãng phí trong đầu tư.

Cụ thể hơn về PVN, điều 8 dự thảo luật quy định PVN là doanh nghiệp nhà nước, điều lệ và tổ chức hoạt động do Chính phủ quy định, được tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dầu khí.

Dự thảo cũng quy định quyền, nghĩa vụ của PVN và trách nhiệm của Hội đồng thành viên PVN từ điều 46-48.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, vị trí, vai trò của PVN trong dự thảo Luật đang được kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành.

Cơ quan thẩm tra đề nghị trên cơ sở kết quả cũng như hạn chế, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện quy định này cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng tại dự thảo Luật về phạm vi quyền gắn liền với giới hạn về nghĩa vụ, trách nhiệm của PVN trong từng vai trò cụ thể là nhà đầu tư dầu khí độc lập ký kết hợp đồng dầu khí và thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.

Trong đó, quy định rõ về trách nhiệm của PVN trong việc ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ ký kết hợp đồng dầu khí với nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện; đồng thời, rà soát các quy định tại các điều, khoản khác trong dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Nhận xét chung là dự án luật còn sơ sài, riêng với PVN, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn "vai của PVN như thế nào thì không nói".

Trước đây, PVN vừa là doanh nghiệp vừa là quản lý nhà nước lĩnh vực dầu khí. Bây giờ vai quản lý nhà nước tới đâu? Vì còn Bộ Công thương, còn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì vai của PVN thế nào? Địa vị pháp lý ra sao, phần liên quan quản lý nhà nước chưa đủ rõ, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Lưu ý tham khảo kinh nghiệm quốc tế đối với mô hình tập đoàn dầu khí quốc gia, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, nên chăng quy định đầy đủ, minh bạch vai trò, địa vị pháp lý của PVN trong luật này, xác định địa vị tổng quát của PVN để tránh xung đột các hoạt động phía sau, vì PVN quản lý nhà nước một phần và còn là nhà thầu.

Phát biểu tại phiên họp, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN bày tỏ Tập đoàn rất mong muốn quy định về địa vị pháp lý rõ ràng và cụ thể ở dự thảo luật.

Thông lệ quốc tế có hai mô hình. Mô hình công ty dầu khí quốc gia không chỉ sản xuất, kinh doanh bình thường, phù hợp với PVN. Mô hình công ty dầu khí quốc tế mục tiêu chỉ là kinh doanh. Vì thế, ông Hùng đề nghị quy định rõ tại dự thảo luật này PVN là công ty dầu khí quốc gia cho đồng bộ, vì PVN bên cạnh là nhà thầu còn có chức năng quản lý nhà nước.

Thừa nhận còn nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết tại dự thảo luật, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hứa sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba. 

Tin liên quan
Tin khác