Theo dự thảo mới, khi góp vốn, mua cổ phần tại các dự án ở những địa bàn có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải thực hiện một số thủ tục, ngoài các quy định áp dụng chung. Ảnh: Đức Thanh |
Nhà đầu tư muốn chắc ăn
Không dễ giành được lượt phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhưng bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam lại đề nghị bổ sung thêm một chữ “chỉ” trong phần sửa đổi Luật Đầu tư.
“Tôi đề xuất thêm một chữ “chỉ” vào điều khoản về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh”, bà Dung nói. Như vậy, câu viết hoàn chỉnh sau khi bổ sung sẽ là “UBND cấp tỉnh chỉ được cấp chấp thuận đầu tư đối với các dự án sau đây”. Phần danh mục gạch đầu dòng kèm theo gồm 5 nhóm.
Nhưng lý giải về đề xuất rất ngắn gọn này lại là một thực trạng không thể kể nhanh được. “Việc áp dụng Điều 32, Luật Đầu tư hiện tại đang rất khác nhau ở các địa phương. Một số nơi, cứ dự án có vốn đầu tư nước ngoài là phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh. Đề nghị ghi thêm chữ “chỉ” là để đảm bảo cho cả nhà đầu tư và các sở kế hoạch và đầu tư hiểu điều này giống nhau, không cần phải hỏi”, bà Dung nói.
Đây là thực tế mà nhiều nhà đầu tư hay nhắc tới khi được yêu cầu nhận xét về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Trong khá nhiều trường hợp, sự khác biệt trong cách hiểu, thực thi các điều khoản của pháp luật không chỉ giữa các địa phương, giữa địa phương và bộ quản lý ngành…, mà còn giữa các công chức thực hiện thủ tục.
Ông Lê Nết, luật sư thuộc Công ty Luật LNT và Thành viên cũng rất ngại về những điều khoản thường tạo dư địa cho những cách ứng xử không thống nhất.
“Tôi không thể hiểu sẽ ứng xử thế nào với điều khoản “tùy thuộc điều kiện kinh tế, xã hội từng địa phương, UBND cấp tỉnh được phân cấp cho UBND cấp huyện chấp thuận chủ trương đầu tư…”, ông Lê Nết nêu một ý đang được Ban Dự thảo đề xuất bổ sung trong phần thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh. Ông đề nghị phải làm rõ, liệt kê cụ thể trường hợp nào có thể phân cấp.
“Nếu không làm rõ được, thì nên bỏ”, ông Nết nói.
Làm rõ thủ tục góp vốn, mua cổ phần
Không chỉ góp ý vào từng điều khoản, ông Lê Nết thậm chí còn soi từng mục tiêu của Dự thảo Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để làm căn cứ cho các đề xuất của mình.
Đây là lý do khiến ông Nết cho rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung trong điều khoản quy định về thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn giúp chưa thỏa mãn tinh thần của Tờ trình là bãi bỏ thủ tục trong trường trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.
Trong dự thảo mới được đưa ra lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngoài các quy định áp dụng chung, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải thực hiện các thủ tục này ở hai trường hợp.
Một là, việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến tổ chức kinh tế đó trở thành tổ chức có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài.
Hai là, nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
“Dự thảo đang có điều khoản là Chính phủ sẽ quy định chi tiết, nhưng rất khó cho nhà đầu tư khi xác định đâu là lĩnh vực quan trọng hay đâu là địa điểm có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”, ông Nết lấn cấn.
Ông Lê Nết cũng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng cho trường hợp nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp, nhưng trước đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ tỷ lệ chi phối.
“Hiện tại, một số sở kế hoạch và đầu tư áp dụng thủ tục đăng ký đầu tư; một số nơi không. Lần sửa đổi này phải làm thống nhất cách ứng xử”, ông Nết đề nghị trực tiếp với Ban Soạn thảo.
Áp dụng nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư.
Cụ thể, áp dụng trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư đã được quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
“Việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc không hồi tố các điều kiện đầu tư. Các điều kiện đầu tư này được hiểu là phạm vi hoạt dộng, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Tuấn nói.