Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Điện lực (sửa đổi). |
Chiều 21/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình Quốc hội dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Tờ trình nêu rõ, sau gần 20 năm thi hành Luật Điện lực 2004, vẫn còn tồn tại một số vấn đề, chưa đáp ứng được thực tiễn và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, cũng như đảm bảo đồng bộ các luật liên quan.
Dự thảo Luật này không có nội dung trái Hiến pháp, các nội dung đề xuất công khai, minh bạch, không có chính sách trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ - ông Diên khẳng định.
Một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo đó, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia. Việc đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động, cũng như đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, các quy định liên quan.
Dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng nhằm đảm bảo an toàn cao nhất. Bên cạn đó, tuỳ thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ, dự thảo luật quy định Thủ tướng sẽ quy định cơ chế đặc thù, để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Quy hoạch loại nguồn điện này là một phần gắn liền, đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện.
Ngoài nguồn điện này, Nhà nước cũng giữ độc quyền về đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các dự án nguồn, lưới điện từ cấp điện áp 220 kV trở lên, nguồn và lưới điện khẩn cấp; vận hành lưới truyền tải (trừ lưới do tư nhân đầu tư xây dựng) và điều độ hệ thống điện.
Thẩm tra, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho rằng, chính sách phát triển điện hạt nhân là vấn đề mới được nêu tại dự thảo luật. Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định quy định nội dung này và mức độ quy định trong dự thảo luật với phát triển điện hạt nhân.
Vẫn theo cơ quan thẩm tra, việc dự thảo đưa ra nội dung Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân là không phù hợp về thẩm quyền, theo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp.
Có ý kiến cho rằng cần rà soát, làm rõ quy định liên quan các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư. Theo đó, chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nhà đầu tư, giảm đầu tư công, tăng tính khả thi và quản lý nhà nước hiệu quả hơn, báo cáo thẩm tra phản ánh.
Nội dung đáng chú ý khác là ở lần sửa đổi này, dự thảo luật đưa ra quy định giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhằm đảm bảo khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Cơ cấu biểu giá điện cũng được cơ cấu lại hợp lý, giảm dần và tiến tới xoá bủ chéo giữa giữa các nhóm khách hàng, vùng miền, cụ thể giữa điện sinh hoạt và sản xuất.
Cơ chế giá điện được áp dụng phù hợp với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ, phát thải cao, cơ sở lưu trú du lịch và sản xuất công nghiệp. Chính phủ cũng ưu tiên phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh.
Giá điện đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực, bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán trong khung giá và cơ cấu biểu giá do Nhà nước quy định.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khi thẩm tra cơ bản nhất trí với các chính sách phát triển điện lực này. Song cơ quan này đề nghị làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách như việc đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, đặc biệt các nội dung về giá điện, về việc xóa bỏ bù chéo. Bổ sung các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực, gắn ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ năng lượng. Bổ sung chính sách bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, mục tiêu phát triển ngành điện tiên tiến, hiện đại.
Theo cơ quan thẩm tra, mặc dù Bộ Công Thương đã có báo cáo giải trình, song một số vấn đề chưa được làm rõ. Ví dụ như đối với giá điện, chưa có quy định, nguyên tắc để minh bạch các thành phần của giá điện, trong đó có bao gồm các khoản hỗ trợ đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa...
Trước mắt, các khoản này tiếp tục được hạch toán vào giá điện nhưng cần tách bạch cụ thể và có lộ trình dài hạn để tiến tới việc chi cho các khoản này được lấy từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Đối với chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu: cần có chính sách để có cơ cấu nguồn điện hợp lý, lộ trình giảm dần và tiến tới xoá bỏ các dự án đầu tư, các nguồn điện sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, một số quy định về việc cam kết sản lượng hợp đồng tối thiểu và dài hạn, việc quy định cơ chế bao tiêu với các đơn vị tham gia thị trường điện là không phù hợp. Bởi nếu thực hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải gánh một khoản chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của EVN, đi ngược lại xu hướng của thị trường điện cạnh tranh. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc kỹ nội dung quy định.
Ngoài ra, Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên đối với các dự án có tích hợp hệ thống pin lưu trữ (điện gió, điện mặt trời) phù hợp với bảo đảm an toàn hệ thống điện và giá điện hợp lý.
Khuyến khích, có cơ chế ưu đãi đối với các dự án điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có tích hợp hệ thống pin lưu trữ để hình thành các hệ thống nguồn điện phân tán, nhà máy điện ảo hợp lý, mang lại hiệu quả; bổ sung quy định để đưa các nguồn điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện.
Chính phủ cũng cần cụ thể hơn các chính sách cải cách giá điện một cách phù hợp, hướng tới việc thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh và rà soát các quy định về giá điện…,, theo cơ quan thẩm tra.
Trong trường hợp phạm vi sửa đổi chỉ tập trung vào những vấn đề cấp thiết, đã chín, đã rõ; chỉ luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, dự án Luật được chuẩn bị tốt, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan; quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban kiến nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.