Thời sự
Sửa Luật Thủ đô: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thực sự vượt trội
Nguyễn Lê - 06/08/2023 09:30
Luật Thủ đô đang được gấp rút sửa đổi để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay. Đây là cơ hội để tạo bước chuyển đột phá cho Hà Nội, nếu những chính sách mới có tầm nhìn mới và thực sự vượt trội.
Cần có những cơ chế vượt trội để xây dựng Hà Nội xứng tầm trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh. Ảnh: Đức Thanh

Làm gì để không “mặc áo chật”

Sau hơn 9 năm thực hiện, theo đánh giá của Chính phủ, Luật Thủ đô hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập. Để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, thì việc sửa Luật Thủ đô đã trở nên hết sức cần thiết.

Quan điểm được xác định ngay từ những bước đầu tiên của quá trình đề nghị xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội khác với pháp luật hiện hành hoặc chưa có quy định để khai thác tốt các thế mạnh của Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô lần thứ hai (phiên bản ngày 27/7/2023) gồm 7 chương, 60 điều đã được thiết kế theo định hướng trên. Song theo các chuyên gia, vẫn còn rất nhiều quy định cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, trong đó có quy định về đô thị vệ tinh.

Tại hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi (Dự thảo) do Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp và Trường đại học Luật Hà Nội tổ chức mới đây, vấn đề này cũng được nhiều chuyên gia đề cập.

Theo TS. Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu hình thành các đô thị vệ tinh cũng mang tính tất yếu khách quan để phát triển Thủ đô trong tương lai. Song không thể đối xử với đô thị vệ tinh ở Hà Nội như một đơn vị hành chính cấp huyện. Thay vào đó, phải có những cơ chế đặc thù, vượt trội đúng với bản chất của một đô thị.

Lần sửa đổi này, Dự thảo đã bổ sung quy định cấp chính quyền thành phố thuộc TP. Hà Nội.

Điểm mới này, theo TS. Chu Mạnh Hùng đã hiện thực hóa một bước về thể chế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để đột phá về thể chế (một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước).

“Tuy nhiên, khi đề cập mô hình này, đối với Hà Nội trong tương lai phải thẳng thắn nhìn nhận trong sự so sánh với mô hình TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM để có sự thiết kế phù hợp. Thực tiễn TP. Thủ Đức cho thấy, về mặt pháp lý, TP. Thủ Đức chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện, nên chưa đủ thẩm quyền để chủ động giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, lĩnh vực tài chính, đầu tư, đô thị, đất đai, tổ chức bộ máy và đời sống dân sinh trên địa bàn”, ông Hùng nhận xét.

Vị chuyên gia này cho rằng, cần phải quy định cho thành phố vệ tinh tại Hà Nội những cơ chế, tính chất vượt trội, đúng với đặc thù của Hà Nội nói chung và đô thị nói riêng, bởi “nếu không, sẽ lặp lại câu chuyện của TP. Thủ Đức khi phải mặc chiếc áo quá chật”.

Một số điểm đáng lưu ý, theo ông Hùng là, về mô hình, nguyên tắc tổ chức chính quyền thành phố thuộc TP. Hà Nội phải được tổ chức theo mô hình phân quyền nhằm đảm bảo cho quản trị đô thị mới có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt. Xét về vị trí, thành phố thuộc TP. Hà Nội được xác định là chính quyền cấp huyện tương đương với quận, thị xã, nhưng để đáp ứng các yêu cầu phát triển và vận hành của đô thị mới, chính quyền thành phố thuộc TP. Hà Nội cần được trao quyền tự quyết cao.

Thẩm quyền cho thành phố thuộc TP. Hà Nội phải cao hơn thẩm quyền cấp huyện để tạo tiền đề bứt phá (rút kinh nghiệm từ TP. Thủ Đức), là quan điểm của PGS-TS Trần Thị Diệu Oanh (Học viện Hành chính quốc gia).

Bà Oanh cho rằng, cần điều chuyển một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND thành phố thuộc Thủ đô để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng thực hiện.

Nhận định việc thành lập cấp chính quyền thành phố trực thuộc thành phố là một trong các cơ chế đặc thù, song bà Đàm Thị Diễm Hạnh (Trường đại học Mở Hà Nội) cho rằng, tính đặc thù của mô hình này so với cấp chính quyền quận, huyện chưa nổi bật.

“Chính quyền thành phố thuộc Thủ đô chỉ được thực hiện 2 nhiệm vụ (khác so với chính quyền quận, huyện) về mặt tổ chức là điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan thuộc UBND thành phố thuộc Thủ đô và tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố là chưa tương xứng với vai trò, vị trí, đặc thù”, bà Hạnh nhận xét.

Quan điểm khác nhau về chuyển giao bệnh viện

Liên quan đến quy định về phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, một phương án được tính đến là chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về TP. Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học. Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định.

Quy định này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cần đưa ra khỏi Dự thảo, bởi việc chuyển các bệnh viện của Trung ương trên địa bàn về Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, nên cần được cân nhắc kỹ.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng dẫn Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, quy định chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành cơ quan nhà nước Trung ương về địa bàn quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện thuộc các trường đại học.

“Như vậy, các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội đều là các cơ sở chuyên khoa, đầu ngành, đương nhiên thuộc diện phải giữ lại theo Nghị quyết 19-NQ/TW”, ông Thuấn phát biểu.

Thứ trưởng Thuấn phân tích, các bệnh viện khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, các nước phát triển cho Việt Nam. Sau khi tiếp nhận thành công, các bệnh viện Trung ương sẽ chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới ở cấp tỉnh, huyện, xã.

Nêu kinh nghiệm của một số nước khác, GS-TS, bác sỹ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Hà Nội cho rằng, việc chuyển giao các bệnh viện thuộc các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về Hà Nội hoặc các trường đại học y quản lý là phù hợp với thế giới.

Ông Văn phân tích, Bộ Y tế và các bộ khác có chức năng, nhiệm vụ là quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn được Thủ tướng Chính phủ giao, vì vậy, việc duy trì các bệnh viện trực thuộc các bộ không phải là điều phổ biến ở các quốc gia. Trên thế giới thường chỉ phân định hệ thống y tế công lập và hệ thống y tế ngoài công lập.

Tuy nhiên, theo ông Văn, cần phải đặt các trường đại học y trên địa bàn là ưu tiên số 1, vì các bệnh viện thực hành này của các trường đại học y sẽ là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao, ứng dụng và chuyển giao công nghệ y tế mới cho không chỉ Hà Nội, mà cho toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.

Ông Văn cũng góp ý, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi lẽ, chỉ riêng Hà Nội mới có sự ưu đãi đặc biệt này.

“Dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào trực thuộc Trung ương, nhưng một khi ở trên địa bàn Hà Nội, thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội. Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước, mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí”, ông Văn nêu quan điểm.

Theo dự kiến, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).

Làm rõ cơ chế chia sẻ lợi ích từ các dự án

Theo Dự thảo, HĐND TP. Hà Nội quy định, Nhà nước, người dân, nhà đầu tư trong các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao được chia sẻ lâu dài nguồn thu từ các dự án…

Quy định trên thể hiện quan điểm rất mạnh dạn, đột phá về bảo vệ sinh kế bền vững cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, chưa rõ người dân được chia sẻ nguồn thu lâu dài này là đối tượng nào?

Vì vậy, Dự thảo cần làm rõ người dân là chủ sử dụng đất có đất bị thu hồi hay liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, góp đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao.

- PGS-TS Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và Phát triển nông thôn (Trường đại học Lâm nghiệp)

Tin liên quan
Tin khác