Doanh nghiệp
Sức bật M&A
Hữu Tuấn - 09/12/2021 07:46
Sáng nay (9/12), Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập (M&A) 2021 thường niên với chủ đề “Cơ hội trong thị trường bùng nổ” sẽ diễn ra tại TP.HCM.
Diễn đàn M&A 2021 sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 9/12/2021.

Diễn đàn M&A 2021 được tổ chức trong bối cảnh khi cả thế giới đang nỗ lực chống chọi, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Dù vậy, trong khi sắc xám bao trùm các nền kinh tế, Việt Nam vẫn nổi lên như một điểm trú ẩn an toàn cho dòng vốn đầu tư.

Trong 11 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt vẫn đạt 26,46 tỷ USD, tổng giá trị M&A trong 10 tháng năm 2021 quay trở lại, tăng trưởng mạnh, cán mốc 8,813 tỷ USD… đã minh chứng cho điều đó. Các chỉ dấu lạc quan hiện tại còn cho thấy, hoạt động M&A năm 2022 tại Việt Nam hứa hẹn sẽ như chiếc lò xo bung mạnh sau thời gian dồn nén bởi dịch bệnh.

Yếu tố thuận lợi khách quan đầu tiên phải kể đến là các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… đang bơm một lượng tiền khổng lồ để phục hồi kinh tế. 

Dòng vốn rẻ, dồi dào đó đang được nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư sử dụng cho các chiến lược tái cơ cấu, hoàn thiện hệ sinh thái, hoàn thiện chuỗi giá trị, đầu tư cho các mô hình phát triển mới, vào các doanh nghiệp cùng dự án có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn - sẽ tiếp tục là sự lựa chọn của dòng vốn này.

Yếu tố thứ hai có thể kích hoạt thêm thương vụ M&A lớn tại Việt Nam trong năm 2022 là các FTA thế hệ mới đã được ký kết, như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)...

Những hiệp định này sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do mới, có quy mô lớn, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nền tảng, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc hướng tới thiết lập chuỗi giá trị, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh... Yếu tố trên còn tạo cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, trở thành chất xúc tác cực mạnh cho hoạt động M&A.

Yếu tố thứ ba có tác dụng kích thích hoạt động M&A mạnh mẽ trong giai đoạn tới là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế đang được Chính phủ trình Quốc hội. Chương trình này không chỉ là gói kích thích phục hồi kinh tế được lượng hóa bằng lượng vốn lớn, mà còn là việc điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, cải cách môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế, thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Yếu tố lạc quan tiếp theo là khung khổ pháp lý, cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày một hoàn thiện sẽ tạo bàn đạp vững chắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Theo đó, nhiều đổi mới, cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, thực hiện đầu tư - kinh doanh… trong sửa đổi các Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư  (PPP)… đã có hiệu lực, đi vào cuộc sống, tạo hiệu ứng tích cực lên thị trường M&A trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Điều này đồng nghĩa với việc danh mục, hạng mục đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ rộng mở hơn, nhiều sự lựa chọn hơn.

Ngoài ra, còn một loạt yếu tố khác đang trợ lực cho thị trường M&A. Đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam với tư cách bên mua. Đó là nhu cầu lớn về tái cấu trúc hướng tới thiết lập chuỗi giá trị, đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Đó còn là sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam, là áp lực thoái vốn và nguồn hàng khổng lồ từ khối doanh nghiệp nhà nước…

Tất cả những yếu tố trên đang và sẽ tiếp sức giúp hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam bùng nổ trong năm 2022 - như tên gọi của Diễn đàn M&A năm nay.

Tin liên quan
Tin khác