Thời sự
Sức ép điều hành kinh tế vĩ mô còn cao
Nguyễn Lê - 23/05/2024 09:24
Nhận định tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, song Chính phủ cho rằng, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá.
Tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu nhậm chức

“Điểm nhấn” xử lý ngân hàng yếu kém

Sau rất nhiều lần Ủy ban Kinh tế của Quốc hội giục giã, đại biểu Quốc hội cũng sốt ruột, Chính phủ đã có thông điệp lạc quan hơn về việc xử lý các ngân hàng yếu kém.

Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Cụ thể, đã hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm 2024.

Phó thủ tướng cũng cho biết, Đề án Cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu. Tình hình tài chính đã được cân đối; lỗ lũy kế, nợ có xu hướng giảm. Tính đến ngày 30/4/2024, số lỗ lũy kế đã giảm 20%, nợ xấu tín dụng chịu rủi ro đã giảm 37,7% (giảm 15.000 tỷ đồng). Bộ máy tổ chức đã tinh giản còn 30 đầu mối, giảm 35%.

Liên quan vấn đề này, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng gặp nhiều khó khăn. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể những khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, quy trình, thủ tục, nhất là trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Đây cũng không phải lần đầu tiên, cơ quan thẩm tra bày tỏ sự sốt ruột trước sự ì ạch về tiến độ xử lý các ngân hành yếu kém. Bởi, “đang hoàn thiện”, “đang trình” là những cụm từ được lặp lại từ năm này qua năm khác khi Ngân hàng Nhà nước báo cáo về việc xử lý các ngân hàng yếu kém.

Vào tháng 10/2023, đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, thông tin được đưa ra là đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank; đang chuẩn bị phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định. Đối với Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.

Lúc đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Hôm nay, tân Chủ tịch nước nhậm chức

Theo nghị trình, sáng nay (22/5), Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Tiếp đó, Chủ tịch nước tuyên thệ và phát biểu nhậm chức. Nhân sự duy nhất được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Cuối tháng 4 năm nay, cập nhật tiến độ từ Ngân hàng Nhà nước vẫn là “đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án chuyển giao bắt buộc của 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Dự thảo Tờ trình Chính phủ về chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng SCB”.

Ở phiên thẩm tra ngày 25/4/2024, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả.

Bởi vậy, thông tin hoàn thành chuyển giao các ngân hàng mua bắt buộc trong năm 2024 như nói trên, chính là “điểm nhấn” trong thông điệp của Chính phủ ở nghị trường kỳ họp này.

Tăng trưởng còn đối mặt với nhiều thách thức

Nhìn nhận khó khăn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp, giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.

“Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá, nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn”, lãnh đạo Chính phủ đánh giá.

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, mức tăng trưởng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp Việt Nam thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội

Ngay trong ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành quy trình bầu ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Chủ tịch Quốc hội mới.

Phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch Quốc hội nói, nguyện cống hiến hết sức mình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình, gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác cũng như trong cuộc sống của bản thân, gia đình.

“Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng. Trong các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), ngoại trừ xuất khẩu hàng hóa có mức phục hồi tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2024, cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng, cầu đầu tư tư nhân yếu, tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội.

Đáng chú ý, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, nợ xấu tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.

“Tỷ giá biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ở mức cao. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn, thu ngân sách nhà nước chưa bền vững”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ rõ.

Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới, như đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, không để tái diễn tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

“Riêng với chính sách tiền tệ, tài khóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, giá vàng, không để xảy ra các cú sốc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Thanh lưu ý.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tăng cường vai trò của chính sách tài khóa trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cải cách tiền lương, an sinh xã hội.

Theo nghị trình, sáng 23/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình những tháng đầu năm 2024. Nội dung này sẽ được thảo luận tại hội trường trong cả ngày 29/5.

Tin liên quan
Tin khác