Tài chính - Chứng khoán
Sức hấp dẫn của đợt thoái vốn Vinacontrol
Thanh Huyền - 28/12/2023 14:16
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ bán toàn bộ số cổ phần tương đương 30% vốn điều lệ của Vinacontrol với giá khởi điểm cao hơn 15% thị giá và gấp hơn 5 lần mệnh giá.
Trụ sở chính của Vinacontrol tại 54 - Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Giá khởi điểm cao hơn 15% thị giá

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo kế hoạch bán đấu giá 3,15 triệu cổ phần VNC, tương đương 30% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn Vinacontrol do SCIC sở hữu.

Theo đó, giá khởi điểm cho cả lô cổ phần VNC là 171,6 tỷ đồng, tương ứng 54.500 đồng/cổ phần. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến vào ngày 15/1/2024.

Mức giá mà SCIC đưa ra cho lô cổ phần VNC đang cao hơn khá nhiều so với thị giá của cổ phiếu này. Trên sàn chứng khoán, thị giá mỗi cổ phần VNC gần như đứng im trong vòng 1 tháng trở lại đây, quanh ngưỡng 50.000 - 51.000 đồng, với thanh khoản nhỏ giọt. Đáng chú ý là, tại phiên giao dịch ngày 20/12, có 736.033 cổ phần được “sang tay” thỏa thuận với mức giá khoảng 47.000 đồng/cổ phần. Tiếp đó, trong phiên giao dịch 22/12, có 567.900 cổ phần được giao dịch khớp lệnh với giá 47.500 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của phiên đấu giá này là lô cổ phần lớn, chiếm tới 30% vốn điều lệ của Vinacontrol. Hiện tại, Vinacontrol có 2 cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Doha Đầu tư (18,67%) và CTCP Chứng khoán ASEAN (11,95%). Ông Bùi Duy Chinh, Chủ tịch HĐQT Vinacontrol hiện nắm giữ 4,03% vốn cổ phần tại Công ty.

Thành lập từ năm 1957, Vinacontrol được biết đến là công ty giám định đầu tiên của Việt Nam, tiền thân là Cục Kiểm nghiệm hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Công thương). Hậu cổ phần hóa, tháng 12/2006, doanh nghiệp này chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX và cũng là công ty duy nhất chuyên hoạt động trong lĩnh vực này đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cũng bởi hoàn cảnh lịch sử mà Vinacontrol hiện sở hữu các địa điểm kinh doanh nằm tại những vị trí trung tâm của Hà Nội, như Trụ sở chính đặt tại 54 - Trần Nhân Tông, chi nhánh Vinacontrol Hà Nội ở 96 - Yết Kiêu, trụ sở CTCP Chứng nhận và Kiểm Định Vinacontrol ở 41 - Nguyễn Thượng Hiền. Ngoài ra, Công ty cũng có các chi nhánh tại các thành phố lớn khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP.HCM; các chi nhánh cấp 2, trạm, văn phòng đại diện tại Lào Cai, Thanh Hóa, Móng Cái, Cửa Ông, Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Cần Thơ...

Sở hữu nhiều lợi thế riêng

Trước đây, Vinacontrol luôn chiếm thế thượng phong trên thị trường giám định hàng hoá nhờ lợi thế doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, khi Nhà nước cho phép các tổ chức giám định nước ngoài và các công ty tư nhân trong nước tham gia thực hiện dịch vụ giám định, Vinacontrol đã không còn vị thế độc quyền, kéo theo những thay đổi trong kết quả kinh doanh.

Cụ thể, biên lợi nhuận càng ngày bị thu hẹp, từ mức 17,6% năm 2006 xuống còn 5,9% năm 2022. Lũy kế 9 tháng 2023, con số này chỉ còn 5,7%. Do đó, Công ty đặt mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng chỉ 2 - 3%/năm, tổng lượng khách hàng phục vụ trong năm tăng 5%.

Mặc dù không còn duy trì được vị thế độc quyền trong thị trường giám định, nhưng Vinacontrol vẫn có được thị phần tương đối lớn, đặc biệt là trong phân khúc giám định hàng hóa.

Báo cáo tài chính các năm qua của Vinacontrol cho thấy, giai đoạn 2016 - 2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng ổn định, với mức lợi nhuận sau thuế đều đạt trên 30 tỷ đồng. Riêng năm 2022, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 635,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 37,6 tỷ đồng. Vinacontrol cũng đều đặn chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15 - 20%/năm trong những năm gần đây.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Vinacontrol đạt 511,4 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 29 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, Công ty đã thực hiện 80% kế hoạch doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Vinacontrol đạt 413,7 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm, trong đó tiền, tiền gửi ngân hàng và chứng khoán kinh doanh là 133 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả của Công ty gần 126 tỷ đồng, với dư nợ vay tài chính chỉ khoảng 1 tỷ đồng, số còn lại chủ yếu là phải trả người lao động. Vốn chủ sở hữu đạt 288,1 tỷ đồng, trong đó quỹ đầu tư phát triển đạt 148,8 tỷ đồng.

Theo đánh giá của VietinBank Securities - đơn vị tư vấn cho đợt chào bán, “mặc dù không còn duy trì được vị thế độc quyền trong thị trường giám định, nhưng Vinacontrol vẫn có được thị phần tương đối lớn, đặc biệt là trong phân khúc giám định hàng hóa”.

Vinacontrol cũng cho biết, Công ty đang đẩy mạnh mở rộng phạm vi đấu thầu các dự án, tăng doanh thu từ các dự án thông qua đấu thầu.

Nhìn chung, đặc thù ngành nghề kinh doanh của Vinacontrol được đánh giá có mức độ rủi ro thấp. Cộng với danh tiếng và bề dày kinh nghiệm, doanh nghiệp vẫn có lợi thế riêng, như duy trì được sự ủy quyền kiểm tra Nhà nước, chỉ định tổ chức đánh giá chứng nhận sản phẩm, tổ chức thử nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tin liên quan
Tin khác