Ngân hàng - Bảo hiểm
Sức hấp thụ vốn yếu, tín dụng khó đột biến
Vân Linh - 01/09/2023 11:07
So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, nhưng tăng trưởng tín dụng thời gian tới được dự báo khó đột biến.
Tín dụng tăng thấp hơn so cùng kỳ năm trước phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Ảnh: Đ.T

Sức hấp thụ vốn yếu

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm theo lãi suất huy động. Tuy có độ trễ, nhưng so với đầu năm nay, lãi vay đã giảm 2-3%/năm, thậm chí một số ngân hàng giảm đến 4%/năm đối với doanh nghiệp có sức khỏe tốt, đáp ứng đầy đủ điều kiện tín dụng.

Thế nhưng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chậm. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng vào cuối tháng 7/2023 được ghi nhận là 4,3% so với cuối năm nay, giảm nhẹ so với mức 4,73% được công bố vào cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng giảm so với tháng trước tiếp tục cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính TP.HCM (HFIC), kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhiều doanh nghiệp muốn vay tiền kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, nhưng kinh tế khó khăn, họ chưa tìm thấy cơ hội làm ăn, chưa tìm thấy các đơn hàng, nên chưa mặn mà với vay vốn. Ngược lại, một số doanh nghiệp muốn vay nhưng thiếu tài sản đảm bảo, vướng nợ xấu, nên khó đáp ứng điều kiện tín dụng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú lý giải, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế nửa đầu năm nay đạt 4,73%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 9,35%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, những động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng tăng thấp hơn so cùng kỳ năm trước phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã chủ động giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tục với mức giảm 0,5-2%, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó giảm lãi suất cho vay. Đến nay, mức lãi suất của ngân hàng thương mại giảm trung bình 1,5-3% và nhiều ngân hàng đã có những khoản vay ưu đãi. Đầu tháng 7/2023, NHNN cũng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14% cho các ngân hàng thương mại.

TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho rằng, cầu tín dụng những tháng còn lại của năm nay sẽ không cải thiện nhiều. “Kể cả trong mùa kinh doanh cuối năm - vốn là cao điểm cho vay những năm trước, cầu vốn cũng thu hẹp do kinh tế khó khăn”, TS. Hùng nhận định.

Tín dụng đã chạm đáy?

Theo nhìn nhận của ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, con số tăng trưởng tín dụng trên tiệm cận mức thấp kỷ lục được thiết lập vào năm 2012 và nếu mọi thứ không phục hồi trở lại vào cuối năm nay, thì kỷ lục của năm 2012 có thể bị phá vỡ. Chúng ta đang trải qua giai đoạn có thể nói là gần kề trạng thái suy kiệt tín dụng, tức giai đoạn mà tín dụng tăng quá chậm so với mức cân bằng để kinh tế phát triển.

Việt Nam đã đi ngược dòng với các nước trên thế giới. Khi các nước đang trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, thì chúng ta giảm lãi suất. Tăng trưởng tín dụng nền kinh tế năm nay dự báo đạt khoảng 12-13% so với năm 2022.

- TS. Trần Hùng Sơn, Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM)

Ngoài vấn đề thiếu vốn trong nền kinh tế gây khó khăn cho sự phục hồi, thị trường còn đang vướng vào tâm lý “thắt lưng buộc bụng” của dân cư và các tổ chức kinh tế. Tình trạng này có đóng góp rất lớn từ sự suy giảm giá tài sản tài chính như bất động sản và chứng khoán trong thời gian qua.

Các chuyên gia phân tích của HSBC nhận định, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng - đây là một khó khăn khác đối với tăng trưởng. Tăng trưởng tín dụng đã giảm kể từ tháng 11/2022 và chưa chạm đáy. Để giải quyết tình trạng này, NHNN đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất điều hành và động thái này ngay lập tức khiến lãi suất thị trường tiền tệ thấp đi. Xét trong bối cảnh trong nước, nếu lãi suất chính sách ảnh hưởng tín dụng thì có thể kích thích cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, điều đó đối lập với các động thái thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng chính sách tài khóa có thể được thực hiện song hành với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng dư địa để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ của Việt Nam không còn nhiều. Nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp dù lãi suất đã giảm, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá. Do đó, WB nhận định, nỗ lực chuyển hướng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, như các đề án gần đây về hỗ trợ nhà ở xã hội hoặc bất động sản công nghiệp, nên được cân đối và cân nhắc nhằm đảm bảo hiệu suất phân bổ tín dụng.

Theo TS. Trần Hùng Sơn, việc giảm lãi suất sẽ giảm áp lực cho những người cần vốn. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, những doanh nghiệp tốt mà ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn lại không muốn vay. Trong khi đó, nếu giảm lãi suất quá nhanh, sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế, nhất là với lãi suất USD, áp lực lên tỷ giá là khó tránh.

Tin liên quan
Tin khác