Ngân hàng - Bảo hiểm
Sức khỏe các ngân hàng hậu M&A
Vân Linh - 04/06/2018 08:24
Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng được thực hiện với nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), nhiều tên tuổi đã biến mất, các ngân hàng yếu kém được xử lý... Câu hỏi được nhiều người quan tâm là sức khỏe các ngân hàng trong thời kỳ hậu M&A thế nào?
TIN LIÊN QUAN

Chuyển mình mạnh mẽ

Trải qua quá trình tái cơ cấu và đẩy mạnh xử lý nợ xấu kể từ năm 2011 đến nay, SCB (hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank, SCB) đã tích tụ tài chính từ nguồn quỹ dự phòng rủi ro gần 7.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được hoàn nhập sau giai đoạn tái cơ cấu vào cuối năm 2019, chuẩn bị cho sự bứt phá mới. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết,  kết thúc quý đầu năm nay, tổng tài sản SCB đạt hơn 457.000 tỷ đồng, quý I lãi 77 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của SCB cũng cho biết, đến ngày 31/3/2018, tổng nợ xấu là 1.293 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,46% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng.

Những năm gần đây, tăng trưởng về quy mô tổng tài sản của SHB cải thiện rõ nét. Ảnh: Đức Thanh

SHB cũng đã trải qua giai đoạn đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu để tăng tốc trở lại. Ngay trong năm 2012 sáp nhập Habubank vào, ngân hàng sau sáp nhập có lợi nhuận trước thuế 1.825 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế và sau khi bù đắp lỗ lũy kế của Habubank chỉ còn 26 tỷ đồng. Những năm gần đây, tăng trưởng về quy mô tổng tài sản của SHB cải thiện rõ nét. SHB lãi ròng quý I/2018 là 402 tỷ đồng nhờ tăng trưởng thu nhập tín dụng và giảm đáng kể chi phí dự phòng. Sau hơn 4 năm sáp nhập Habubank, SHB tiếp tục sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) để phát triển tín dụng tiêu dùng và dự kiến sẽ thu hút thêm vốn ngoại. 

Nhưng ngân hàng có tốc độ phát triển nhanh trong thời kỳ hậu M&A chính là HDBank. Năm 2013, với sức mạnh hội nhập từ DaiABank và HDFinance, HDBank trở thành một trong những ngân hàng lớn tại Việt Nam. Sau thành công của chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2016, năm 2017 đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của HDBank, với lợi nhuận trước thuế hơn 2.400 tỷ đồng. HDBank đã niêm yết cổ phiếu đầu năm 2018, thu hút hơn 300 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài trong đợt IPO. Kết thúc quý đầu năm nay, lợi nhuận HDBank đạt hơn 1.000 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát dưới 1,5% và đang hoàn tất việc sáp nhập thêm PGBank để tăng quy mô hoạt động. 

Nợ xấu vẫn là gánh nặng

BIDV, MaritimeBank, Sacombank cũng là những ngân hàng đã có bước cải tổ mạnh mẽ trong thời kỳ hậu M&A, song vẫn còn khó khăn khi nợ xấu lớn. Thông tin từ HĐQT Sacombank cho biết, đến nay, Sacombank (nhận Southernbank vào cuối năm 2016) còn 50.000 tỷ đồng nợ xấu chưa được xử lý. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, trong năm nay, Sacombank sẽ nỗ lực thu về 15.000 - 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2017, Sacombank đã xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu, song tỷ lệ nợ xấu vẫn trên 3%. Vì thế, lợi nhuận của Sacombank bị ảnh hưởng, do đòi hỏi dự phòng rủi ro cao.

Một trong số ngân hàng phải mạnh tay trích dự phòng trong quý đầu năm nay là BIDV (nhận MHB năm 2015). Theo báo cáo tài chính quý I/2018 của BIDV, các nguồn thu của Ngân hàng đều tăng, nhưng chi phí dự phòng đã ăn mòn 70% lợi nhuận trước trích lập, lên tới 6.000 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2018, tỷ lệ nợ xấu của BIDV ở mức 1,62%. 

Có thể thấy, sau các thương vụ M&A, các ngân hàng đã bày tỏ sự hài lòng khi có cơ hội tăng trưởng thần tốc về tổng tài sản, vốn điều lệ, nhân sự, mạng lưới. Trong giai đoạn đầu, các ngân hàng đều phải “trả giá” về nợ xấu, sự sụt giảm lợi nhuận…, song hệ thống ngân hàng “được” nhiều hơn “mất”.

TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, cái lợi sau M&A là sự ổn định chung của toàn thị trường. Sau khi khắc phục những hậu quả nặng nề của các ngân hàng yếu kém, nền kinh tế sẽ có một hệ thống ngân hàng mạnh hơn, phát triển ổn định và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư. Cuộc “đại phẫu” của ngành ngân hàng cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Tin liên quan
Tin khác