Hơn 80% lợi nhuận phải chi cho trích lập dự phòng
Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của hàng loạt ngân hàng cho thấy, lợi nhuận năm nay khá đẹp, song nợ xấu lại có dấu hiệu tăng lên. Đặc biệt, một số ngân hàng có lợi nhuận rất thấp, chủ yếu do “thủ phạm” nợ xấu.
. |
Cụ thể, báo cáo tài chính của VietA Bank cho thấy, trong quý III/2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 222 tỷ đồng, thì trích lập dự phòng chiếm tới 195 tỷ đồng (khoảng 87%). Sau trích lập, Ngân hàng chỉ còn lãi vỏn vẹn 27 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của VietA Bank là 122 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước, trong khi trích lập dự phòng lên tới 358 tỷ đồng, gấp 3 lần lợi nhuận. Con số nợ xấu 9 tháng chưa được công bố, song báo cáo tài chính trước đó cho thấy, nợ xấu của ngân hàng này có dấu hiệu tăng, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn.
Cùng cảnh phải chi hầu hết lợi nhuận cho trích lập dự phòng nợ xấu là Sacombank. Trong quý III/2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm 29% so với cùng kỳ, do trích lập dự phòng cao gấp 4,8 lần cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 67,5% lợi nhuận quý III. Tuy nợ xấu đã giảm so với năm ngoái và lợi nhuận lũy kế 9 tháng vẫn tăng, song nợ xấu trên 3% vẫn là gánh nặng của Sacombank trong quá trình tái cơ cấu hậu sáp nhập Southern Bank.
Tại một số ngân hàng khác, tuy trích lập dự phòng không tăng, song nợ xấu lại tăng khá mạnh. Chẳng hạn, MB có lợi nhuận tăng gấp rưỡi trong 9 tháng đầu năm, song tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,2% lên 1,57%. Trong đó, con số nợ xấu tuyệt đối tăng tới 31% so với đầu năm. Tại BacA Bank, nợ xấu tuyệt đối cũng tăng tới 22,7%, chủ yếu là nợ có khả năng mất vốn. Tương tự, tại Techcombank, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ 1,61% vào cuối năm 2017 lên 2,05% trong tháng 9/2018…
Hiện tại, số lượng ngân hàng công bố báo cáo tài chính 9 tháng chưa đầy đủ, song theo số liệu của hầu hết các ngân hàng đã công bố lợi nhuận thì nợ xấu có xu hướng tăng.
Trước đó, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các ngân hàng cũng cho thấy, tổng quy mô nợ xấu của các ngân hàng đã tăng đáng kể so với đầu năm.
Xử lý nợ xấu còn nhiều thách thức
Tuy thời gian gần đây, các ngân hàng mạnh tay chi trích lập dự phòng, song theo các chuyên gia, mức trích lập dự phòng vẫn còn nhỏ so với nợ xấu thực. Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định: “Nợ xấu chưa thể xử lý nhanh được do nhiều khoản nợ liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh và khả năng trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng còn hạn chế”.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng quy mô nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của toàn hệ thống vẫn còn cao, ước trên 6% tổng dư nợ tín dụng. Mục tiêu mà NHNN đặt ra là đưa tỷ lệ này về dưới 3% vào năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức khi nợ xấu đang tập trung phần lớn ở một số ngân hàng yếu, nên việc giải quyết không đơn giản.
Giữa tháng 9/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN về việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Theo đó, yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng tăng tốc xử lý nợ xấu và phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt, thường xuyên báo cáo NHNN.
Cùng lúc, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng đang gấp rút để đưa “chợ” nợ xấu đi vào hoạt động. TS. Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho hay, trong tổng dư nợ gốc hơn 300.000 tỷ đồng mua về, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ đạt hơn 102.000 tỷ đồng. Hiện tại, VAMC đang cùng với các công ty mua bán nợ, các tổ chức định giá bàn bạc, thảo luận để sớm đưa ra một “chợ” mua bán nợ theo giá thị trường. Khi đó, nợ xấu sẽ được xử lý nhanh và dứt điểm hơn.
Theo kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước, năm 2019, cơ quan này cũng sẽ kiểm toán chuyên đề tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
“Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp, dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều”.
- Trích báo cáo của Cơ quan Thanh tra - Giám sát (NHNN).