Theo báo cáo gửi HNX, Công ty TNHH thời trang và mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), ghi nhận khoản lỗ hơn 7,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, giảm mạnh so với mức lợi nhuận hơn 130 tỷ cùng kỳ năm trước.
Đến cuối quý II, vốn chủ sở hữu của DAFC đạt hơn 570 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức hơn 800 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ đến cuối tháng 6 là hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cập nhật từ HNX, công ty này đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ lượng trái phiếu vào đầu tháng 8.
DAFC trực thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch và bà Lê Hồng Thủy Tiên là Tổng giám đốc có được sự hậu thuẫn vững chắc từ hệ sinh thái của tập đoàn. Từ tháng 5/2022, vị trí Tổng giám đốc (CEO) của DAFC được giao cho con gái Tiên Nguyễn. Sau đó, công ty liên tiếp có những bước đột phá, khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành thời trang xa xỉ và bán lẻ Việt Nam.
DAFC hiện được biết đến là công ty chuyên về các mặt hàng xa xỉ phẩm hàng đầu tại Việt Nam khi phân phối hơn 60 thương hiệu hàng đầu thế giới, với hơn 60 cửa hàng tại Việt Nam.
Vừa qua, CEO Tiên Nguyễn và ekip cũng vừa khai trương một loạt cửa hàng Balmain, Monblanc, Moschino và Moschino Jeans (Ý), Gianvito Rossi (Ý), Alessandra Rich (Anh Quốc), Aquazzura (Ý). Đây là những thương hiệu nằm trong định hướng trẻ hoá danh mục thương hiệu của DAFC, hướng tới tệp khách hàng GenZ trẻ trung và năng động và cũng vừa chốt hợp đồng phân phối với hàng loạt thương hiệu đình đám tại Châu Âu khác như Frank Muller, Stefano Ricci... Năm 2022, DAFC mở rộng sang nền tảng thương mại điện tử.
Cuối năm 2022, giới phân tích cho rằng các thương hiệu xa xỉ phải chuẩn bị cho sự suy thoái vào năm 2023. Những bất ổn về kinh tế, giá năng lượng, lãi suất tăng cao... sẽ tác động không nhỏ đến nhu cầu mua sắm của khách hàng… |
Theo Tiên Nguyễn, bên cạnh tệp khách hàng hiện tại, công ty cũng đặc biệt chú trọng đến phân khúc khách hàng tiềm năng là Gen Z. Tiên Nguyễn cũng đang là một idol thời trang xa xỉ trong giới sành hàng hiệu, với tài khoản cá nhân gần 300 ngìn theo dõi. Cô chính là một trong những người tạo ảnh hưởng, tạo trend trong cộng đồng thời trang trong nước và quốc tế, thường xuyên có mặt trên hàng ghế đầu tiên của các Tuần lễ thời trang từ London, Milan đến Paris.
Kết quả kinh doanh sụt giảm trong nửa đầu năm nay của DAFC cũng là thực trạng chung của ngành hàng xa xỉ trên thế giới. Có thể nói, sức mua hàng xa xỉ đang chậm lại. Trong quý III, doanh số của Louis Vuitton, Dior chậm lại trong khi Gucci, Yves Saint-Laurent bị giảm.
Cụ thể, với LVMH - sở hữu nhiều thương hiệu như Louis Vuitton, Dior, Tiffany - đã không còn mạnh mẽ như nửa đầu năm. Doanh thu quý III mới công bố đạt 19,96 tỷ euro, tăng 9% so với cùng kỳ 2022. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng 17% trong nửa đầu năm nay. Doanh số các mặt hàng chủ lực như đồ da và thời trang xa xỉ của LVMH không ngoại lệ, chỉ tăng 9% trong quý vừa rồi so với 20% của 6 tháng đầu.
Các công ty khác như Tập đoàn Kering (Pháp) chứng kiến doanh số bán hàng giảm 9% trong quý III, xuống còn 4,46 tỷ euro. Riêng Hermès vẫn kinh doanh ổn định. Trong quý III, thuơng hiệu túi da Pháp này công bố doanh số tăng 15,6% so với cùng kỳ, sau khi tăng 25% trong nửa đầu năm. Trong đó, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, Ma Cao, Đài Loan và Hong Kong tăng mạnh. Tuy nhiên, Hermès thừa nhận vẫn có những khó khăn kinh tế vĩ mô mà Trung Quốc phải đối mặt trong ngắn hạn.
Tại Việt Nam, DAFC cũng tương tự, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của đơn vị phân phối xa xỉ phẩm này đều ghi nhận tăng trưởng cao dù các cửa hàng đều phải đóng cửa do ảnh hưởng của Covid-19.