Tiêu dùng
Sức mua tăng nhanh ngày giáp Tết
Thế Hoàng - 08/02/2024 16:35
Sức mua hàng hóa những ngày giáp Tết Giáp Thìn tăng mạnh, thị trường đang trong cao điểm tiêu thụ, khi người tiêu dùng đổ bộ mua sắm.
Sức mua được cải thiện rõ rệt trong những ngày giáp Tết Nguyên đán      Ảnh: Đức Thanh

Nhà bán lẻ bất ngờ

Dù nhiều nhà bán lẻ nhận định sức mua hàng hóa Tết Nguyên đán 2024 có thể không tăng nhiều, do người dân giảm chi tiêu vì kinh tế khó khăn, nhưng bất ngờ là càng những ngày giáp Tết, tốc độ tiêu thụ hàng hóa của các hệ thống bán lẻ và chợ dân sinh, cũng như trên nền tảng thương mại điện tử đều tăng mạnh.

Ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, các doanh nghiệp phân phối đã có nhiều chương trình chiết khấu, khuyến mại giảm giá từ 10 đến 15% để phục vụ khách hàng. Đặc biệt năm nay, lượng khách mua sắm trực tuyến tăng trưởng tới 50% so với năm trước.

Thông tin về tình hình hàng hóa Tết Nguyên đán 2024, ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Group (sở hữu chuỗi siêu thị GO!, BigC, Tops Market…) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị nhiều mặt hàng có giá tiết kiệm cho khách mua sắm, cùng với tăng cường các chương trình khuyến mãi. Cụ thể, mùa Tết này, Central Retail chuẩn bị hơn 3.000 mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, mứt, trà, cà phê, gạo, đường, hạt nêm, dầu ăn… phục vụ Tết. Các mặt hàng thiết yếu tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhiều nhà bán lẻ, bắt đầu từ 23 tháng Chạp, lượng khách tăng gấp 3 - 4 lần ngày thường. Trong đó, nhóm mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết, hàng thực phẩm tươi sống có sức mua tăng rõ rệt. Các siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào và tung ra loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tạo cơ hội cho người tiêu dùng sắm Tết, không lo về giá.

Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, dù kinh tế còn khó khăn, nhưng trong dịp Tết Giáp Thìn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1/2024 đạt quy mô cao hơn so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Báo cáo của Sở Công thương Hà Nội cho hay, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái. Thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, có 32 đơn vị tham gia Chương trình cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình 7 - 25% so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023. Tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa được tăng cường 15 - 50% (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 90%), sẵn sàng phục vụ người dân.

Cũng theo ông Paul Le, vừa qua, hệ thống có chương trình giảm giá thịt heo, những mặt hàng hút khách như thịt rọi chỉ còn 125.000 đồng/kg, thúc đẩy sức mua tăng đáng kể. Gần 10 tấn thịt heo được bán ra trong thời gian chạy chương trình, cho thấy sức mua của người tiêu dùng rất lớn.

Đem hàng hóa tốt nhất đến người tiêu dùng

Đưa thật nhiều hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng tốt nhất vào giỏ hàng Tết là mục tiêu của ngành công thương và các nhà bán lẻ.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, Bộ đã kết nối để các doanh nghiệp tăng cường đưa sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) vào hệ thống bán lẻ, nâng sự hiện diện của hàng nội trong các giỏ hàng Tết.

Cùng với việc mua bán hàng hóa trực tiếp, các hoạt động phối hợp với hệ thống phân phối thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam như Lazada, Shopee, TikTok, Sendo... hỗ trợ rất nhiều cho việc tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, hàng Việt chiếm ưu thế trong dịp Tết Giáp Thìn, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, tỷ lệ hàng Việt đạt trên 90%. Cùng với mẫu mã đẹp hơn, chất lượng tốt hơn, nhiều ưu đãi hơn, thì các nhà sản xuất lắng nghe xu hướng tiêu dùng, đóng gói sản phẩm với nhiều kích cỡ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách.

Chuẩn bị cho Tết, hệ thống WinCommerce (sở hữu chuỗi Winmart) đã làm việc với các nhà cung cấp trước 3 tháng, đàm phán với nhà cung cấp không tăng giá dịp Tết, đồng thời kiểm tra kỹ chất lượng nguồn hàng, nhờ vậy hệ thống bán lẻ này rất được khách hàng tín nhiệm.

Đại diện WinCommerce cho hay, doanh nghiệp tập trung vào nhóm hàng có giá bình quân khá thấp để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhiều khách hàng hơn. Đặc biệt, các chương trình khuyến mại triển khai tập trung nhiều hơn, trong đó có những chương trình dành cho nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu như thịt lợn, rau củ quả… do các nhà sản xuất nội địa cung ứng.

Thông tin về phương án mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết, Phó tổng giám đốc WinCommerce, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, siêu thị sẽ mở cửa đến 12h trưa ngày 30 Tết và mở lại vào mùng 4 Tết.

Đơn vị tập trung 100% nhân sự phục vụ tại siêu thị và tăng thời gian mở cửa hàng ngày tới 23h để người dân được mua sắm thoải mái hơn, bảo đảm không thiếu hàng.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) lên kế hoạch dự trữ hàng phục vụ Tết với trị giá 1.000 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường như gạo, thịt lợn, gà, trứng, thủy - hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo…

Phó tổng giám đốc Hapro, bà Đỗ Tuệ Tâm cho hay, ngay từ trong năm, Hapro đã tập trung xây dựng chương trình kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán 2024. Chuẩn bị sản phẩm mang thương hiệu Hapro do các công ty, đơn vị trong Tổng công ty trực tiếp sản xuất và kinh doanh đã có uy tín trên thị trường như gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang Hapro; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt gà, thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...; các đặc sản vùng miền như bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mỳ gạo…

Về chất lượng hàng hóa, theo bà Đỗ Tuệ Tâm, hệ thống siêu thị Hapro/ BRGMart có quy trình kiểm soát hàng hóa vào siêu thị rất chặt chẽ, nhất là trong tháng cao điểm phục vụ Tết. Theo đó, tất cả các hàng hóa phải đảm bảo đầy đủ giấy phép, giấy chứng nhận, kiểm định...

Nhờ chuẩn bị từ sớm, chủ động nguồn hàng của các nhà bán lẻ, mà giá cả hàng hóa Tết năm nay ổn định, không biến động. Thậm chí, người tiêu dùng có thể mua hàng với giá thấp hơn ngày thường.

Tin liên quan
Tin khác