Theo đó, Sudico sẽ thay đổi thời gian trả cổ tức năm 2016, năm 2017 từ 31/12/2020 đến 31/12/2021. Doanh nghiệp cho biết trong trường hợp thu xếp được nguồn tiền đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ xem xét thực hiện thanh toán cổ tức năm 2016 và năm 2017 bằng tiền mặt cho cổ đông sớm hơn thời gian quy định.
Điểm đáng lưu ý đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp trì hoãn trả cổ tức cho cổ đông, tháng 9/2019 doanh nghiệp thanh đổi thời gian trả cổ tức tiền mặt năm 2016 và năm 2017 từ cuối năm 2019 sang cuối năm 2020.
Việc doanh nghiệp liên tục trì hoãn đã buộc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) nhắc nhở. Cụ thể, giữa năm 2019, HOSE đã nhắc nhở và đề nghị doanh nghiệp giải trình về nguồn tiền để trả cổ tức cho cổ đông.
Tính tới 30/09/2020, doanh nghiệp chỉ sở hữu 76,4 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 1,1% tổng tài sản. Trong khi đó, tài sản lớn nhất là tồn kho đạt 3.852 tỷ đồng, chiếm 54,7% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.998,6 tỷ đồng, chiếm 28,4% tổng tài sản.
Kể từ năm 2016 tới nay, lượng tiền và đầu tư tài chính của doanh nghiệp liên tục suy giảm và tồn kho thì tăng lên. Cụ thể, nếu như năm 2016 có tới 240,1 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 4% tổng tài sản, thì nay chỉ còn 76,4 tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng tài sản.
Trong đó, đặc biệt tính tới 30/09/2020 tồn kho dự án Khu Đô thị Nam An Khánh trị giá tới 3.371,1 tỷ đồng kéo dài trong nhiều năm; xây dựng dở dang dài hạn dự án Hòa Hải – Đà Nẵng trị giá 1.164 tỷ đồng … có thể thấy doanh nghiệp đang có dấu hiệu bị kẹp tiền ở các dự án đang triển khai nên không thể trả cổ tức cho cổ đông, tình hình này có trước khi có dịch.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng vừa lên kế hoạch tiếp tục huy động 300 tỷ đồng trái phiếu bên ngoài bổ sung vốn tiếp tục đầu tư dự án Nam An Khánh, lãi suất coupon cố định 10%/năm, kỳ hạn 2 năm. Như vậy có thể thấy ngay nghĩa vụ cam kết trả cổ tức cho cổ đông trong nhiều năm qua doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động dòng tiền phát triển dự án.
Trái ngược với tình hình khó khăn dòng tiền, giá cổ phiếu SJS lại liên tục tăng điểm, nếu như cuối tháng 3/2020 cổ phiếu giao dịch vùng 15.000 đồng/cổ phiếu thì tới ngày 08/12 đã là 27.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng tới 80%.
Hiệu quả kinh doanh vẫn là dấu hỏi
Trong 9 tháng đầu năm nay, Sudico báo cáo doanh thu giảm 14,3% xuống 209 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng 50% đạt 30 tỷ đồng.
Năm 2020, Sudico lên kế hoạch doanh thu 1.080 tỷ đồng và lãi trước thuế 147 tỷ đồng, lần lượt tăng 54,5% và 5% so với thực hiện 2019. Sau 9 tháng, doanh nghiệp mới thực hiện 19,3% chỉ tiêu doanh thu và 26,5% chỉ tiêu lợi nhuận.
Mặc dù xét giá trị lợi nhuận có dấu hiệu cải thiện trong 9 tháng đầu năm nhưng xét về dòng tiền tình hình có dấu hiệu tiếp tục xấu đi. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm dòng tiền hoạt động kinh doanh chính chỉ tạo ra 4,8 tỷ đồng, giảm tới 86,2% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp cho biết các năm qua tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các dự án bất động sản nên doanh thu và lợi nhuận giảm. Kể từ quý III/2018, Sudico mới bắt đầu triển khai kinh doanh một phần dự án khu đô thị mới Nam An Khánh, quý I/2019 bán một phần dự án mở rộng phía Đông Nam khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo (Hòa Bình) và đến quý IV/2019 kinh doanh thêm một số diện tích mặt bằng tại khu chung cư CT4, CT5 khu đô thị mới Mỹ Đình – Mễ Trì.
Có thể thấy mặc dù sở hữu khối tại sản lên tới 7.045,7 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả kinh doanh, cũng như khả năng tạo tiền của doanh nghiệp rất hạn chế, điều này đã ảnh hưởng tới khả năng trả cổ tức cho cổ đông và buộc doanh nghiệp trì hoãn kéo dài thời gian trả cổ tức.