Bài 3: Độc chiêu loại nhà đầu tư để giúp “thân hữu”
Với việc đưa ra các tiêu chí đấu giá quá cao so với quy mô dự án, UBND TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư khác nhằm tạo lợi thế cho FLC được giao đất, cho thuê đất không cần đấu giá. Vụ việc này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, phải chuyển sang Bộ Công an.
Đưa tiêu chí quá cao để... khỏi đấu giá
Đó là độc chiêu của UBND TP. Pleiku áp dụng đối với Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tại số 29 - đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ia Kring, TP, Pleiku, do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), làm chủ đầu tư, trên diện tích 3,1 ha (còn gọi là Dự án FLC HillTop Pleiku).
Dự án FLC HillTop Pleiku. |
Dự án có vị trí đắc địa tại TP. Pleiku, khi nằm cạnh trụ sở tiếp công dân tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, tòa án…
Trước khi giao cho FLC, Dự án được địa phương này tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Hai lần tổ chức đấu giá không thành, do không có nhà đầu tư nào “tham chiếm”, ngoài FLC.
Thế là, UBND TP. Pleiku đề xuất UBND tỉnh Gia Lai căn cứ Điều 118, Luật Đất đai 2013, giao cho FLC.
Theo Thanh tra Chính phủ, Dự án FLC HillTop Pleiku còn có thêm 10 vi phạm, như không thực hiện gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với diện tích 7.406,8 m2, vi phạm Điều 64, Luật Đất đai năm 2013, gây thất thu ngân sách nhà nước 112,417 triệu đồng; các hạng mục công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án phải thực hiện xong trước ngày 21/5/2020 để bàn giao cho UBND TP. Pleiku, nhưng bị chậm tiến độ, nhưng UBND tỉnh không yêu cầu Công ty nộp tiền thuê đất sau thời hạn được quy định, làm thất thu ngân sách nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng; UBND TP. Pleiku, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường đã buông lỏng quản lý, không có biện pháp kiên quyết để yêu cầu Công ty nộp vào ngân sách địa phương khoản tiền để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (tương ứng 14,2 tỷ đồng) là vi phạm nghị định của Chính phủ…
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai lúc bấy giờ đã ký Quyết định số 618/QĐ UBND ngày 25/10/2019 chấp thuận chủ trương đầu tư cho FLC (ông Thành đã bị Ban Bí thư kỷ luật về đảng, Thủ tướng Chính phủ kỷ luật bằng hình thức cách chức, xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 - 2021).
Theo phương án của chủ đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, Dự án FLC HillTop Pleiku sẽ là tổ hợp trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao, trở thành biểu tượng mới của mảnh đất Tây Nguyên, với thời gian xây dựng, hoàn thành dự án là 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa.
Thanh tra Chính phủ vào cuộc và phát hiện, trước khi tổ chức đấu giá, năm 2019, UBND TP. Pleiku ra Quyết định số 1653 đưa ra các tiêu chí đấu giá quá cao so với quy mô của dự án, như đơn vị tham gia đấu giá phải đã hoặc đang làm chủ đầu tư, hoặc liên doanh thực hiện ít nhất 2 dự án có quy mô, tính chất, cơ cấu sử dụng đất tương tự dự án tham gia đấu giá trở lên; dự án đang thực hiện phải có chức năng hỗn hợp khách sạn, nhà phố thương mại, công trình dịch vụ. Đáng nói là, đấu giá dự án để xây dựng, nhưng UBND TP. Pleiku còn yêu cầu nhà đầu tư tham gia đấu giá phải đáp ứng với hạng mục khách sạn là đã và đang đầu tư kinh doanh 2 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với quy mô 200 phòng trở lên...
Tiêu chí trên trên đã hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư khác, nên sau 2 lần tổ chức đấu giá, chỉ có duy nhất FLC đăng ký và được “duyệt”.
“Việc làm của UBND TP. Pleiku không đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo lợi thế cho FLC được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, có nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước do giá đất không thay đổi so với giá khởi điểm”, Thanh tra Chính phủ nhận định.
Phù phép đất văn hóa thành… nhà phố thương mại
Sai phạm chưa dừng lại. Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2018, thì khu đất thực hiện dự án trên có mục đích là đất cơ sở văn hoá. Tháng 11/2018, tức trước khi duyệt cho FLC, UBND tỉnh Gia Lai ra Quyết định số 523/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ khi đất, bổ sung thêm hạng mục nhà phố thương mại.
Cung cấp thông tin tới Bộ Công an
Với sai phạm tại Dự án FLC HillTop Pleiku, theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND TP. Pleiku, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ, nên cần cung cấp thông tin tới Bộ Công an để xử lý theo quy định.
Việc này, theo Thanh tra Chính phủ, là không phù hợp với mục đích và công năng khu đất đã được duyệt trước đó.
Chưa hết, UBND TP. Pleiku điều chỉnh quy hoạch cục bộ, nhưng không lập kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, không lấy đầy đủ ý kiến cộng đồng dân cư, không công khai theo quy định, không thực hiện phê duyệt Đồ án phân khu làm cơ sở để xác định dự án đầu tư xây dựng trong đô thị, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án, thay đổi chức năng khu đất là vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Sở Tài nguyên và Môi trường “chèn” thêm hồ sơ để hợp thức hóa
Với dự án trên, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện, việc Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai ban hành Quyết định lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm định giá có dấu hiệu chèn thêm số văn bản để hợp thức hoá việc UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch định giá đất cụ thể trước đó. Sở này ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể trước khi có quyết định phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và Nghị định của Chính phủ.
Dự án trồng cao su của Đức Long Gia Lai bị yêu cầu thu hồi
Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho hay, Dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo kiệt với diện tích gần 900 ha tại huyện Chư Pưh của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai có chủ trương từ năm 2011 và được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất từ năm 2014. Nhưng sau 11 năm, doanh nghiệp mới thực hiện một số công đoạn chuẩn bị đầu tư. Tới thời điểm thanh tra, Dự án chưa trồng cao su và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, với số tiền 13,7 tỷ đồng, bao gồm tiền thuê đất và tiền chậm nộp.
Dự án này, hồi tháng 9/2017, UBND tỉnh Gia Lai ra thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Kpă Thuyên (Phó chủ tịch UBND tỉnh) là tiếp tục cho Đức Long Gia Lai triển khai Dự án trồng cao su trên diện tích 209 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng; tiếp tục cho Công ty thuê 554 ha đất có rừng tự nhiên nghèo kiệt, để thực hiện quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ xác định, nội dung này không đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó và vi phạm Luật Đất đai.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động đối với dự án trên.
Việc cơ quan chức năng Gia Lai tách thửa đất để cấp riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 90 thửa đất thuộc Dự án khi chưa thực hiện xong việc xây dựng nhà ở là trái với quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai 2013.
Thanh tra Chính phủ còn cho biết, có dấu hiệu hợp thức hóa hồ sơ về lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất, cụ thể là Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam. Trong thành phần Hội đồng Thẩm định giá đất, bảng giá đất tỉnh có Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam, mà không phải đơn vị có chức năng tư vấn xác định giá đất khác để thẩm định chứng thư định giá đất là không khách quan, vi phạm Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giá đất.
Mặt khác, Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam, trong quá trình xác định giá đất cụ thể (dùng phương pháp thặng dư), đã đưa phần chi phí lãi vay ngân hàng hơn 756 triệu đồng (2 năm) vào phương pháp tính để xác định tổng chi phí phát triển làm cơ sở xác định giá trị của thửa đất cần định giá là trái với quy định tại Điều 6, Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫn tới việc giảm giá trị thửa đất cần định giá.
Có thể thấy, tất cả những việc trên của hàng loạt cơ quan liên quan đều làm lợi cho FLC, khi doanh nghiệp này không cần đấu giá cũng… thắng.
(Còn tiếp)