Bài 2: Xẻ nhỏ mỏ khoáng sản, cấp phép không đấu giá
UBND tỉnh Gia Lai tự ý chia cắt mỏ khoáng sản lớn thành các mỏ nhỏ để cấp cho doanh nghiệp “con cưng”. Mỏ cát để cung cấp cho Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP. Pleiku lại không đấu giá. Mỏ khoáng sản cung cấp cho dự án ý nghĩa này lại để doanh nghiệp bán ra ngoài thu lợi.
Tự ý xẻ nhỏ mỏ khoáng sản lớn
Không chỉ sai phạm trong việc cấp phép các dự án điện gió, theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ “Về việc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh trong quản lý, sử dụng đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, địa phương này còn có hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Mỏ cát bị đề nghị thu hồi đấu giá ở xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). |
Kiểm tra 8 dự án thăm dò, khai thác khoáng sản, Thanh tra Chính phủ phát hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã tự ý chia cắt mỏ lớn thành 2 mỏ nhỏ để cấp cho Công ty TNHH một thành viên Trang Đức và một công ty kinh doanh hàng xuất khẩu (cùng trụ sở tại Gia Lai). Hành vi này vi phạm Điều 53, Luật Khoáng sản 2010.
Không chỉ vậy, tỉnh Gia Lai còn cấp chủ trương đầu tư dự án khai thác mỏ cát tại xã Ayun (huyện Chư Sê) và một mỏ đá tại xã Ia Bă (huyện Ia Grai) cho một công ty kinh doanh hàng xuất khẩu; cấp giấy phép khai thác mỏ cát tại xã Ayun (huyện Chư Sê) cho Công ty TNHH một thành viên Trang Đức.
Trong sai phạm về cấp phép khoáng sản của tỉnh Gia Lai còn có nguyên nhân từ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, ngày 30/6/2016, UBND tỉnh Gia Lai có Văn bản số 2981/UBND-CNXD đề xuất cấp phép 2 mỏ đá tại huyện Ia Grai và một mỏ cát tại xã Ayun thuộc huyện Chư Sê (các mỏ có sai phạm).
Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 3201/BTNMT-ĐCKS ngày 3/8/2016 hướng dẫn UBND tỉnh Gia Lai cấp phép, nhưng văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa yêu cầu tỉnh này rà soát làm rõ điều kiện để áp dụng đúng quy định Luật Khoáng sản.
Bởi vậy, tại thông báo kết luận thanh tra mới đây, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo làm rõ, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đã có khuyết điểm trong việc có văn bản hướng dẫn cấp phép 3 mỏ khai thác khoáng sản ở Gia Lai.
Vấn đề là, các mỏ trên không thể hiện mục đích phục vụ Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh TP. Pleiku, không thông qua đấu giá là vi phạm quy định Luật Khoáng sản năm 2010, gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản.
Doanh nghiệp bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ không đúng quy định, vi phạm Điều 62, Luật Khoáng sản 2010; không thực hiện lập sổ sách và biểu thống kê để theo dõi xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; không lắp đặt trạm cân; không thực hiện thuê đất, nhưng vẫn tự ý sử dụng là hành vi chiếm đất và sử dụng đất không đúng mục đích bị nghiêm cấm, vi phạm Điều 12, Luật Đất đai 2013.
Hai doanh nghiệp trên có cùng trụ sở tại tỉnh Gia Lai và được xem là “con cưng” của địa phương này.
Mang khoáng sản phục vụ đường Hồ Chí Minh bán ra ngoài
Theo Thanh tra Chính phủ, chủ trương đầu tư và giấy phép cấp mỏ cát cho Công ty TNHH một thành viên Trang Đức là để phục vụ Dự án Xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh qua TP. Pleiku, nhưng doanh nghiệp này lại bán cho các đơn vị khác suốt 3 năm (2018, 2019 và 2020), thu lợi hơn 611 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai hủy bỏ và thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho Công ty TNHH một thành viên Trang Đức và Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, đưa khu vực mỏ này vào danh mục đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định (2 mỏ cát tại xã Ayun, huyện Chư Sê và một mỏ đá tại huyện Ia Grai); kiểm tra, làm rõ việc khai thác khoáng sản trái phép của Công ty TNHH một thành viên Hoàng Khánh tại khu vực thôn Quyết Thắng (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa). Xử lý đối với các vi phạm trọng hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng đất sai mục đích, truy thu tiền thuê đất, tiền theo quy định đối với vi phạm và có các biện pháp thu nộp số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn nợ của 7 đơn vị với số tiền hơn 15 tỷ đồng.
Liên quan hai mỏ cát bị đề nghị thu hồi đấu giá, thông tin tới báo chí mới đây, lãnh đạo UBND xã Ayun cho hay, hai mỏ cát ở xã này đã dừng khai thác, doanh nghiệp đã rút hết thiết bị, máy móc khỏi mỏ.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, số tiền này cần phải thu hồi và UBND tỉnh Gia Lai phải chỉ đạo khắc phục hậu quả, hủy bỏ, thu hồi giấy phép khoáng sản đã cấp. Trường hợp sai phạm không được khắc phục, thì phải xử lý nghiêm.
Không chỉ vậy, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách còn phải phải chịu trách nhiệm trước việc để cho nạn khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nhiều năm.
Điển hình, tại xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) có khoảng 3,3 ha đất sét chưa được cấp phép khai thác, nhưng phần diện tích đất 9.167 m2 đã bị Công ty TNHH một thành viên Hoàng Khánh khai thác; khoảng 2,4 ha còn lại bị khai thác từ nhiều năm trước để phục vụ thi công công trình xây dựng trên địa bàn.
“Như vậy, việc khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra từ nhiều năm qua trên địa bàn, nhưng UBND thị xã Ayun Pa đã buông lỏng quản lý, không thực hiện báo cáo tình hình quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa được phép khai thác trên địa bàn theo quy định”, Thanh tra Chính phủ kết luận.
“Vượt mặt” bộ, ngành, tự bổ sung quy hoạch, thăm dò mỏ khoáng sản
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh này đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 74 khu vực mỏ (16 mỏ đá xây dựng; 39 mỏ cát xây dựng; 8 mỏ đất san lấp; 9 mỏ đất sét làm gạch; 2 mỏ than bùn) và cấp 49 giấy phép khai thác khoáng sản đất, đá, cát và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ. Toàn tỉnh hiện còn 206 mỏ khoáng sản có trong quy hoạch, nhưng chưa được cấp phép.
Mặt khác, UBND tỉnh Gia Lai cũng giao Thanh tra tỉnh nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền; đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và cơ quan có liên quan thực hiện nội dung kiến nghị của Kết luận thanh tra Chính phủ.
Kết quả rà soát của Thanh tra Chính phủ phát hiện, trong giai đoạn 2010-2016, UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản với 53 mỏ (Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 6/8/2015 với 41 mỏ; Quyết định số 415/QĐ-UBND ngày 21/6/2016 với 12 mỏ), nhưng không lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành có liên quan. Việc này vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 15, Luật Khoáng sản 2010 và điểm b, khoản 3, Điều 8, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo về kết quả hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh Gia Lai (năm 2019 và năm 2020) với Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đúng quy định, vi phạm khoản 4, Điều 7, Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Tỉnh Gia Lai còn cho thuê đất, nhưng không yêu cầu chủ đầu tư ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, vi phạm Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Tính đến thời điểm Thanh tra Chính phủ vào cuộc (tháng 6/2021), trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn 7 đơn vị nợ hơn 15 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhưng cơ quan chức năng tỉnh này cũng chưa có biện pháp đôn đốc thu hồi nộp về ngân sách.
(Còn tiếp)