Tỷ lệ chống phá rừng tại Việt Nam đạt 42,02%
Tại tọa đàm "Phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp - nhìn từ tín chỉ carbon rừng và thực thi EUDR" do Báo Dân Việt tổ chức, ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 30 năm, kết quả bảo vệ và phát triển rừng ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ rệt ở chỉ tiêu che phủ rừng. Theo đó, những năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ che phủ rừng mới đạt 27% thì hiện nay đã đạt 42,02%.
Đây là tỷ lệ tương đối cao so với mặt bằng chung thế giới 31%, và đứng trong top khu vực Đông Nam Á. Trong tổng số 14,86 triệu ha rừng, thì có tới hơn 10,1 triệu ha là rừng tự nhiên, còn rừng trồng chiếm trên 4,7 triệu ha.
Thành tựu quan trọng này thể hiện sự nỗ lực trong việc bảo vệ, phát triển rừng của đất nước, với các hệ thống chính sách pháp luật, định hướng đúng đắn và các chương trình, đề án phục hồi, phát triển rừng đã đi vào thực tiễn như Chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (Chương trình 327), Dự án trồng mới được 5 triệu ha rừng (Dự án 661), sao đó là Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Hiện nay, ngành lâm nghiệp vẫn đang tiếp tục xây dựng chương trình phát triển rừng bền vững đến năm 2030.
Ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
"Trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp tập trung duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42 - 43%. Đồng thời, nỗ lực cải tạo và nâng cấp chất lượng rừng tự nhiên, cải thiện giống cây lâm nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng rừng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các mục tiêu kinh tế, môi trường", ông Minh cho hay.
Về giảm phát thải trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Trần Hiếu Minh thông tin, trước năm 2010, ngành này vẫn là nguồn phát thải. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010 - 2020, nỗ lực giảm phát thải đã đạt được những kết quả ấn tượng với mức giảm khoảng 40 triệu tấn CO2 mỗi năm. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tham gia dịch vụ carbon rừng và ký kết thỏa thuận chi trả carbon với Ngân hàng Thế giới (WB).
“Với nỗ lực bảo vệ phát triển rừng trong 10 năm lĩnh vực lâm nghiệp đã tăng được 500.000 ha rừng và cùng với phát triển lâm nghiệp bền vững thì ngành hoàn toàn có tiềm năng thương mại tín chỉ carbon sau khi đã hoàn thành mục tiêu đóng góp giảm phát thải của ngành nhằm huy động nguồn lực cho hoạt động lâm nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trồng rừng, đồng thời đảm bảo mục tiêu về bảo vệ môi trường cũng như đóng góp cho việc cam kết Net zero vào năm 2050”, ông Minh khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các vấn đề về phát thải carbon là vấn đề toàn cầu, chúng ta đang cố gắng giữ để nền nhiệt chung của trái đất không bị tăng thêm 1 - 3 độ C.
“Như ông Minh đã trao đổi thì ngành lâm nghiệp hiện không chỉ có hấp thụ carbon mà có cả cả phát thải khí C02. Hiện, mỗi năm ngành lâm nghiệp phát thải 30 triệu tấn carbon, nếu tính số lượng hấp thụ được thì chúng ta đang âm 40 triệu tấn carbon. Tuy nhiên, tiềm năng này chính là thứ chúng ta có thể can thiệp”, ông Phương nhìn nhận.
Theo ông Phương, có thể can thiệp bằng 2 cách:
Thứ nhất, nếu mỗi năm Việt Nam ta tăng được hấp thụ carbon từ rừng thì có thể nâng cao được năng suất chất lượng rừng nghèo kiệt và rừng trồng, từ đó có thể thu về 60 - 70 triệu tín chỉ carbon/năm.
Thứ hai, Việt Nam cũng phải kiểm soát được việc đốt rừng, phá rừng, đồng thời nâng cao thời gian việc khai thác rừng trồng một cách hợp lý để tăng năng suất rừng trồng.
Chìa khóa vượt rào cản Luật chống phá rừng EU
Liên quan đến Luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), quy định này thể hiện xu hướng ngày càng ưu tiên sản xuất xanh của các thị trường quốc tế. Dù EU đã gia hạn thêm một năm trước khi chính thức áp dụng, việc các doanh nghiệp sớm chuẩn bị các điều kiện cần thiết là yêu cầu cấp bách.
Về vấn đề này, ông Vũ Tấn Phương nhận định, Việt Nam hiện đang trong quá trình hội nhập sâu rộng. Trong sản xuất hàng hóa, nhiều diện tích đất đã được chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang khu vực sản xuất. Quy định chống phá rừng của EU đặt ra 3 yêu cầu lớn nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm gây mất rừng hoặc suy thoái rừng.
Cụ thể, doanh nghiệp phải chứng minh rằng hàng hóa của mình không được sản xuất trên bất kỳ vùng đất nào bị phá rừng hoặc suy thoái sau ngày 31/12/2020. Đồng thời, các thương nhân, doanh nghiệp, nhà sản xuất phải cung cấp thông tin minh bạch về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm.
Thị trường carbon rừng có tiềm năng mang lại nguồn thu lớn cho lâm nghiệp. |
Tại Việt Nam, luật pháp đã quy định rõ ràng các điều kiện để được cấp chứng chỉ rừng. Luật Đất đai cũng có những quy định chặt chẽ liên quan đến đất rừng. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm vững các quy định trong nước và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của thị trường châu Âu nếu muốn tiếp tục giao thương với khu vực này.
Để đáp ứng các điều kiện từ EU, ông Phương nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức cho người sản xuất, thương nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ ngành liên quan, phải vào cuộc hỗ trợ mạnh mẽ, đồng hành với các đối tượng liên quan. Việc minh bạch hóa thông tin sản phẩm trên nền tảng số và trách nhiệm giải trình về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm là yếu tố tiên quyết.
“Hiện nay, hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia của Việt Nam đã ban hành các tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu của EU. Trong lĩnh vực cao su, nhiều công ty và tập đoàn lớn đã cam kết thực hiện nghiêm túc. Dù EU gia hạn thời gian áp dụng quy định thêm một năm, các doanh nghiệp vẫn cần nhanh chóng chủ động cải thiện năng lực cạnh tranh, đổi mới cách quản trị và tuân thủ các tiêu chuẩn được đề ra.”, ông Phương thẳng thắn.