Ngân hàng - Bảo hiểm
Tác dụng kép từ tín dụng chính sách cho người khuyết tật
Thanh Phương - 27/06/2018 09:55
Nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn tập trung nguồn lực, triển khai cho vay đối với người khuyết tật nhằm hỗ trợ họ vươn lên trong cuộc sống, có thu nhập nuôi bản thân và gia đình, đồng thời tạo thêm việc làm cho xã hội.

Ông Đinh Văn Mí ở xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội bị liệt, teo nửa người bẩm sinh. Học hết cấp II, ông phải nghỉ học để chuyển sang học nghề thêu. Những năm đầu làm nghề, cuộc sống tuy khó khăn nhưng tạm ổn, bởi hợp tác xã của ông có hợp đồng xuất khẩu sản phẩm tranh thêu. Nhưng rồi thị trường có nhiều biến động, hợp đồng xuất khẩu đột nhiên bị cắt đứt, hai vợ chồng cùng thất nghiệp (vợ ông cũng là người khuyết tật, là giáo viên dạy thêu). 

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Mí (bên phải) đã mở được một xưởng thêu nhỏ với doanh thu có năm đạt hơn 1 tỷ đồng

Năm 2012, ông Mí tham gia Hội Người khuyết tật của xã Tuy Lai và được giới thiệu về nguồn vốn ưu đãi dành cho những người kém may mắn như vợ chồng ông. Khoản vay đầu tiên 30 triệu đồng đã giúp ông tổ chức sản xuất, mua dụng cụ, nguyên vật liệu. 

Tiếp đó, ông vay được 100 triệu đồng từ Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do khuyết tật làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ thông qua Ngân hành Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn này, ông đã mở một xưởng thêu nhỏ, với 9 lao động thường xuyên, tập trung vào những mặt hàng cao cấp. “Có lúc chúng tôi có tới 200 - 300 lao động, có năm đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng”, ông Mí cho biết.

Được biết, Hội Người khuyết tật xã Tuy Lai có 135 hội viên thì đã có 56 lượt hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Các hội viên dùng vốn để mua bò, nuôi lợn, đạt hiệu quả kinh tế rất tốt và thực hiện trả nợ đúng hạn.

Cũng bị liệt nửa người như ông Mí, anh Trần Mạnh Huy đã cố gắng theo học hết phổ thông và tốt nghiệp Trường đại học Bách Khoa TP.HCM. Sau đó, anh tìm được công việc phù hợp với chuyên môn, làm lập trình viên trong một doanh nghiệp. Trong quá trình làm việc, anh luôn trăn trở tìm câu trả lời cho vấn đề năng suất lao động. 

“Vì sao các nước như Thái Lan, Singapore có năng suất lao động gấp 15-16 lần Việt Nam? Đi sâu tìm hiểu, tôi phát hiện do họ ứng dụng tự động và sử dụng robot trong quá trình vận hành. Từ đó, tôi ấp ủ kế hoạch nghiên cứu và phát triển các robot tự động vừa phục vụ các doanh nghiệp khác, vừa tạo môi trường làm việc cho những người khuyết tật như mình”, anh Huy nói.

Năm 2010, anh Huy thành lập Công ty cổ phần VBPO. Những năm đầu tiên, doanh thu của Công ty rất hạn chế, bởi còn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Năm 2014, Công ty rơi vào khó khăn khi cạn kiệt nguồn vốn. Các ngân hàng thương mại không cho Công ty vay bởi không có tài sản bảo đảm. 

Đúng lúc này, anh tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi. Khoản tiền 500 triệu đồng từ Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do khuyết tật làm chủ” thực sự là “phao cứu hộ” giúp Công ty VBPO hoàn thiện giai đoạn nghiên cứu cuối cùng, mua sắm thiết bị và đưa sản phẩm ra thị trường. Sau 3 năm, VBPO đã có một văn phòng ở Nhật Bản, năm 2017 đạt doanh thu hơn 1 triệu USD.

Còn rất nhiều trường hợp người khuyết tật có cơ hội vươn lên nhờ nguồn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, Ngân hàng đang thực hiện trên 20 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ dành cho các đối tượng khó khăn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm..., trong đó có người khuyết tật. 

“Qua tiếp cận các nguồn vốn này, người khuyết tật có nguồn vốn để tham gia sản xuất - kinh doanh, qua đó thể hiện mình, không trở thành gánh nặng, mà còn đóng góp cho xã hội, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm. Tôi cho rằng, đây là tác dụng kép của tín dụng ưu đãi cho người khuyết tật”, ông Nguyễn Văn Lý nói.

Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho người khuyết tật rất thuận lợi. Ngân hàng Chính sách xã hội nắm nhu cầu, cho vay và giải ngân ngay tại địa phương nơi người khuyết tật sinh sống. Ngân hàng cũng phối hợp 4 tổ chức xã hội cùng với xã, phường hình thành mạng lưới Tổ tiết kiệm vay vốn giúp người khuyết tật vay vốn thuận lợi. 

“Ngoài các chương trình tín dụng riêng, trong các hoạt động cho vay sắp tới, triển khai tín dụng ưu đãi đối với người khuyết tật là một trong những trọng tâm ưu tiên của Ngân hàng”, ông Lý cho biết.

Hiện dư nợ cho vay đối doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật, người khuyết tật tự phát triển sản xuất Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 118 tỷ đồng, với gần 6.000 khách hàng còn dư nợ.
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho người khuyết tật vay qua Quỹ quốc gia về việc làm; Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do khuyết tật làm chủ” do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ và một số chương trình tín dụng khác.
Tin liên quan
Tin khác