Báo cáo Nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á 2023, do Quỹ đầu tư Monk’s Hill Ventures và Glints thực hiện cho thấy, tại Đông Nam Á, số lượng start-up tái cấu trúc nhiều chưa từng thấy trong năm qua.
Báo cáo đưa ra một số kinh nghiệm thực tế mà các start-up có thể áp dụng để chuẩn bị cho giai đoạn tái cấu trúc đầy khó khăn sắp tới.
Thứ nhất, cắt giảm một lần và cắt giảm sâu. Phương châm này phù hợp với những nhà sáng lập đã trải qua thời suy thoái, nhưng cũng là một lời nhắc nhở đối với các nhà sáng lập đã và đang lên kế hoạch tái cấu trúc. Chiến lược cắt giảm một lần và cắt giảm sâu sẽ tốt hơn việc thực hiện nhiều lần cắt giảm, từ đó giảm bớt tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân viên đối với nhà lãnh đạo và doanh nghiệp.
“Hãy cắt giảm một lần, chứ đừng kéo dài thành 3-4 lần. Chỉ với một lần cắt giảm duy nhất, mọi người sẽ cảm thấy an tâm hơn. Nhưng nếu bạn cắt giảm thêm lần nữa, nhân sự sẽ bắt đầu hoảng loạn. Tất nhiên, việc cắt giảm nhiều đến đâu còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của start-up”, Justin Nguyen, nhà đầu tư tại Monk’s Hill Ventures chia sẻ.
Thứ hai, cần rõ ràng trong truyền tải thông tin. Các nhà sáng lập cần hiểu rằng, bất kỳ việc tái cấu trúc nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên, ngay cả khi họ không phải là người bị sa thải. Giải pháp tốt nhất là nhà sáng lập nên thông báo về quy trình, thời gian và mức độ tái cấu trúc tới toàn thể nhân viên một cách nhanh chóng, dứt khoát.
Đặc biệt, trước bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc cắt giảm nhân sự, nhà sáng lập nên ngồi lại với đội ngũ của mình để thảo luận về phương án bồi thường cho những người bị sa thải và đảm bảo kế hoạch cắt giảm được tiến hành trên nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch. Điều quan trọng không kém là người đứng đầu start-up cần thành thật về lý do cắt giảm, cập nhật tình trạng hiện tại của doanh nghiệp tới tất cả nhân sự.
“Bối cảnh thông báo cũng rất quan trọng. Nhà sáng lập nên tránh hình thức gửi tin nhắn văn bản hoặc một email quá ngắn gọn bởi việc thiếu thông tin có thể khiến nhân sự mất niềm tin vào công ty cũng như khả năng lãnh đạo của nhà sáng lập”, Báo cáo Nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á 2023 cho biết.
Thứ ba, xây dựng quan hệ với nhân viên sau tái cấu trúc. Phát triển mối quan hệ chặt chẽ với nhân viên sau khi tái cấu trúc có thể mất nhiều thời gian, nhưng là hoạt động quan trọng để thiết lập lại niềm tin và lòng trung thành của nhân viên đối với tổ chức. Nhà sáng lập có thể tạo động lực cho nhân viên bằng cách khen thưởng khi nhân viên hoàn thành công việc tốt, sắp xếp các chuyến đi chơi, tổ chức team building… Hoặc đơn giản hơn, người đứng đầu có thể đi bộ quanh văn phòng và chủ động nói chuyện với nhân viên, thay vì chỉ ngồi tại bàn làm việc để nhân viên tìm đến gặp hoặc xử lý tất cả các công việc qua email. Bằng cách duy trì kết nối đi kèm với ban hành chính sách khen thưởng xứng đáng, nhà sáng lập sẽ khiến nhân sự cảm thấy được truyền động lực làm việc, không mơ hồ sau hoạt động tái cấu trúc.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ quản lý mạnh mẽ. Sau giai đoạn tái cấu trúc, start-up cần xây dựng đội ngũ quản lý với năng lực lãnh đạo, điều hành đáp ứng nhu cầu phục hồi và tiếp tục tăng trưởng. Đội ngũ điều hành phải có khả năng quản lý được sự xáo trộn trong ngắn hạn của tổ chức và đưa ra định hướng kinh doanh phù hợp để sớm đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đặc biệt, trong giai đoạn trước, trong và sau tái cấu trúc, đội ngũ lãnh đạo nên thường xuyên kết nối, chia sẻ thông tin với nhau, từ đó sẵn sàng ứng phó với các diễn biến bất ngờ, có khả năng gây xáo trộn trong doanh nghiệp.