Phải tìm được nhà đầu tư chiến lược
Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) là một trong những DN ngành nông nghiệp tiến hành tái cơ cấu khá thành công. Ông Phí Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Vinafor cho biết: Từ năm 2011 đến nay, trong điều kiện kinh tế suy thoái khiến nhiều tập đoàn, Tổng công ty (TCT) Nhà nước thua lỗ, Vinafor vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt, DN đã có sự thay đổi về chất đối với công tác quản lý vốn chủ sở hữu. Nếu đầu năm 2011, vốn chủ sở hữu của TCT mới là 1.544 tỷ đồng thì đến hết năm 2014, số vốn này đã tăng 1,5 lần lên 2.176 tỷ đồng.
“Để có được thành công trong quá trình tái cơ cấu, CPH, mấu chốt là phải tìm được nhà đầu tư chiến lược có vốn, trình độ quản lý và cả tâm huyết với sự phát triển của DN. Xác định rõ điều này, trong quá trình xây dựng phương án CPH, TCT đã xây dựng phương pháp và thang điểm đánh giá lựa chọn nhà đầu tư chiến lược kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị liên quan”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT): Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ NN&PTNT đã sắp xếp, CPH được 12 TCT và 2 công ty Thuốc Thú y trực thuộc Bộ, 2 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các công ty con thuộc các TCT; đồng thời đã CPH 10 DN. Như vậy, so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ NN&PTNT đã tiến hành CPH sớm hơn 4 DN, gồm: TCT Lâm nghiệp Việt Nam, TCT Lương thực miền Nam, Công ty Tân Biên và Công ty Cao su Bà Rịa (thuộc VRG).
Bên cạnh những kết quả trên, Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn cho 1 tập đoàn và 11 TCT; chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, đặc biệt đối với các lĩnh vực chứng khoán, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư. Số vốn đã thoái tính đến 31-12-2015 là 2.175.137 tỷ đồng, đạt 39,51% so với kế hoạch.
Cần có cơ chế riêng?
Trái ngược với sự thuận lợi của Vinafor, VRG lại là DN phải đối mặt với khá nhiều khó khăn khi tiến hành tái cơ cấu, CPH. Chia sẻ về điều này, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đăng ký CPH 5 đơn vị thì đến nay mới CPH được 2 đơn vị. Về phần thoái vốn, kế hoạch rút vốn tại các lĩnh vực ngoài ngành là hơn 3.100 tỷ đồng thì mới thực hiện được hơn 1.000 tỷ đồng. Theo ông Thuận, nguyên nhân chính dẫn tới việc CPH chậm là do giá mủ cao su xuống thấp. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn có những khó khăn mang tính đặc thù do là đơn vị quản lý quy mô lớn, diện tích đất đai rộng. Về vấn đề thoái vốn tại những dự án đầu tư ngoài ngành, điển hình là khi đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, hiện nay VRG gặp khá nhiều khó khăn. Ông Thuận phân tích, Tập đoàn hiện có hơn 1.000 tỷ đồng vốn nằm tại các dự án thủy điện, kể cả thủy điện ở nước ngoài. Để thoái vốn ở những dự án thủy điện này, VRG đang cần có những cơ chế riêng vì liên quan đến mối quan hệ láng giềng, tình hình chính trị, xã hội...