Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên 3/10. Ảnh: AFP |
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tiếp tục giảm 0,57% phiên chiều nay. Sau thông tin doanh thu bán lẻ của Hong Kong (Trung Quốc) trong tháng 8 xuống thấp kỷ lục trong bối cảnh biểu tình kéo dài tại xứ Cảng Thơm nhiều tháng qua, cổ phiếu các nhà bán lẻ diễn biến trái ngược nhau, với cổ phiếu của tập đoàn trang sức Chow Tai Fook và hãng thời trang Prada lần lượt giảm 1,09% và 1,12%, trong khi cổ phiếu của Sa Sa International - chuỗi kinh doanh mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp - lại vọt lên 2,94%.
Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản trượt 2,01% về mức 21.341,74 điểm, với các cổ phiếu “nặng ký” của Fast Retailing, Softbank Group và Fanuc đồng loạt mất 2%. Chỉ số Topix giảm 1,72% và khép lại giao dịch ở mức 1.568,87.
Đa số các nhóm chứng khoán đều lao dốc khiến chỉ số S&P/ASX 200 của Australia sụt giảm 2,21% và đóng cửa ở mức 6.493,00. Trong đó, chỉ số riêng biệt tài chính trượt sâu hơn 2,61% do cổ phiếu của nhóm 4 “đại gia” ngân hàng đều tụt dốc. Trượt sâu nhất là cổ phiếu Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) với mức giảm 3,51%, theo sau là Ngân hàng Commonwealth mất 2,84%, ANZ trượt 2,67%, còn Westpac giảm 2,43%.
Nhìn chung, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,64%.
Thị trường Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc hôm nay đóng cửa nghỉ lễ.
“Tâm bão” thị trường đang xoay sang châu Âu khi mới đây Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết sẽ kích hoạt thuế quan lên hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 18/10.
“Quả là bi kịch khi Mỹ mở rộng diện tấn công sang tất cả đối tác thương mại, điều này có nguy cơ đẩy thương mại toàn cầu chệch hướng,” Vishnu Varathan, trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) nhận định.
Đáng nói hơn, động thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc sắp "hội ngộ" đàm phán thương mại tại Washington trong vài ngày tới, khi mà cuộc chiến thuế quan giữa hai siêu cường kinh tế này đã kéo dài hơn một năm qua và dường như chưa có hồi kết.
Động thái thuế quan của Mỹ nhằm vào hàng hóa EU càng nhấn chìm tâm lý thị trường, bởi trước đó đã xuất hiện nhiều lo ngại suy thoái kinh tế sau khi Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố hoạt động sản xuất của Mỹ xuống thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Chứng khoán Mỹ không tránh được ngày giao dịch đen tối sau loạt tin xấu. Chốt phiên 2/10, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones “bốc hơi” 494,42 điểm về mức 26.078,68, còn S&P 500 mất 1,8% và kết đóng cửa ở mức 2.887,61 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 1,6% còn 7.785,25 điểm.
Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt về mức 99,064 sau khi thiết lập mốc 99.3 phiên hôm qua.
Sau khi đạt mức 107,5 JPY “ăn” 1 USD phiên hôm qua, đồng yên Nhật hôm nay trượt giá còn 107,10JPY/USD, trong khi đó đô la Australia hồi nhẹ và trao tay ở mức 1 AUD đổi 0,6708 USD.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay sụt giảm, với dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 0,31% xuống còn 57,51 USD/thùng và dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt nhẹ về 52,59 USD/thùng.