Viễn thông - Công nghệ
Tam đại gia chạy đua giữ chân thuê bao di động
Hữu Tuấn - 11/11/2018 06:22
Khi chính sách chuyển mạng giữ số được triển khai từ ngày 16/11, ngoài yếu tố kỹ thuật, thì chính sách ưu đãi giá cước, data, dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ quyết định việc các nhà mạng, kể cả tam đại gia là Viettel, VinaPhone và MobiFone, có giữ được thuê bao hay không.

Nhà mạng đã sẵn sàng

Theo thông tin mới nhất từ Viettel, VinaPhone, MobiFone, các nhà mạng này đã hoàn thành kiểm tra thử nghiệm liên mạng với nhau và xây dựng kế hoạch truyền thông tới khách hàng về các thông tin liên quan đến chuyển mạng giữ số. Dự kiến thời gian đầu, sẽ chỉ áp dụng chuyển mạng giữ số với thuê bao trả sau, sau 3 tháng, sẽ áp dụng với các thuê bao trả trước.

VinaPhone đã sẵn sàng phục vụ khách hàng chuyển mạng giữ số từ ngày 16/11

Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tháng 10/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, kể từ ngày 16/11, sẽ triển khai chính sách chuyển mạng giữ số với 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone. Khách hàng có thể đăng ký đổi sang nhà mạng mới, nhưng vẫn giữ số cũ. Riêng mạng Vietnamobile sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2019, còn mạng Gmobile chưa áp dụng vì quy mô nhỏ.

Đại diện VinaPhone cho biết, đến thời điểm này, VinaPhone đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm tính cước, kênh bán hàng, đào tạo đội ngũ… để sẵn sàng phục vụ khách hàng thực hiện chuyển mạng giữ số. VinaPhone cũng đã hoàn thành chương trình đào tạo nội bộ nhằm hướng dẫn và cập nhật các quy trình về chuyển mạng giữ số của Bộ Thông tin và Truyền thông, đảm bảo việc chuyển mạng giữ số diễn ra thông suốt.

Các khai báo định tuyến với các nhà mạng trong nước và đàm phán giữa các nhà mạng về cước chuyển tiếp cuộc gọi chuyển mạng giữ số với dịch vụ chuyển vùng quốc tế đang được gấp rút hoàn thành, sẵn sàng phục vụ các thuê bao trả sau có nhu cầu chuyển mạng từ ngày 16/11. 

“Chúng tôi dự kiến thời gian hoàn thiện các thủ tục đăng ký chuyển mạng chỉ trong vòng 30 phút, kể từ khi khách hàng đến đăng ký tại các điểm giao dịch của VinaPhone”, ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc VinaPhone khẳng định.

Đại diện Viettel cho hay, việc chuẩn bị cho chuyển mạng giữ số đã được Viettel thực hiện từ cuối năm 2017. Ngày 16/11 tới, cùng với các nhà mạng khác, Viettel sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số theo đúng yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. “Với kinh nghiệm triển khai tại một số quốc gia trên thế giới, chúng tôi hoàn toàn làm chủ kỹ thuật việc chuyển mạng giữ số và thực hiện ngay khi có yêu cầu”, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel nói.

Vẫn chờ hướng dẫn

Tuy đã nhiều lần trì hoãn, nhưng việc chuyển mạng giữ số còn một số vướng mắc như phí và lệ phí chuyển mạng của các thuê bao di động, hay việc bố trí data center phục vụ việc khai báo chuyển mạng của Cục Viễn thông.  

Tại cuộc họp giữa các nhà mạng hồi tháng 8/2018, mức phí rời mạng được đề xuất là 60.000 đồng và phí chuyển đến là 60.000 đồng, tổng cộng chuyển mạng giữ số là 120.000 đồng/lần. Các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất rằng, tài khoản thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng sẽ không được bảo lưu. Đối với các thuê bao đã chuyển mạng, sau đó quay trở về nhà mạng vừa chuyển đi do lỗi kỹ thuật hệ thống, giá trị tài khoản sẽ không bảo lưu, nhưng các dịch vụ khác sẽ được doanh nghiệp chuyển đi khôi phục.

Các thuê bao di động sẽ có 45 ngày để hoàn tất các nghĩa vụ cam kết và thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp chuyển đi. Thời gian này được tính từ thời điểm trung tâm chuyển mạng gửi tin nhắn SMS thông báo lịch chuyển mạng. Bên cạnh đó, các nhà mạng đã thống nhất về thời gian tối thiểu giữa 2 lần chuyển mạng của 1 thuê bao là 90 ngày (kể cả ngày nghỉ).

Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn còn để ngỏ, như thuê bao có phải trả phí hòa mạng (35.000 đồng/thuê bao trả sau, 25.000 đồng/thuê bao trả trước) khi chuyển sang mạng khác hay không; khách hàng chuyển sang nhà mạng mới thì các dịch vụ giá trị gia tăng cũ còn bị tính phí hay không, có tự huỷ không…

Được biết, từ nay tới ngày 16/11, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về lệ phí kho số, cước hoà mạng, quy trình cung cấp dịch vụ…

Cuộc cạnh tranh bắt đầu

Hiện trên thị trường có khoảng 120 triệu thuê bao di động, trong đó khoảng 8 triệu thuê bao trả sau. Trên thực tế, nhu cầu chuyển mạng giữ số sẽ tập trung vào các thuê bao của các nhà mạng nhỏ có chất lượng và vùng phủ sóng 3G-4G ít hơn chuyển sang nhà mạng có vùng phủ tốt hơn và giá rẻ hơn. Vì vậy, việc triển khai chuyển mạng giữ số sẽ là cuộc đua giữ khách hàng không rời mạng của các nhà mạng. Trong cuộc đua này, ngoài yếu tố kỹ thuật như chất lượng mạng, vùng phủ sóng, thì vấn đề ưu đãi giá cước, data, chăm sóc khách hàng sẽ quyết định việc nhà mạng có mất thêm thuê bao hay không.

“Chuyển mạng giữ số được coi là thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho VinaPhone thu hút thêm khách hàng mới, cùng với nỗ lực cải tiến nhằm giữ chân các khách hàng hiện tại. Chúng tôi đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho các khách hàng hiện hữu và sẽ phục vụ tốt hơn các thuê bao mạng khác khi chuyển đến”, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Phát triển dịch vụ, Tổng công ty VinaPhone cho biết.

Còn ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông đánh giá, chuyển mạng giữ số đem lại quyền lựa chọn nhà cung cấp có chất lượng dịch vụ và lợi ích phù hợp hơn cho khách hàng. Điều này cũng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường viễn thông, bảo vệ người dùng. 

Như vậy, thời gian tới, ngay cả nội bộ “tam đại gia” Viettel - VinaPhone - MobiFone cũng sẽ xuất hiện một cuộc đua mới - cuộc đua giữ chân thuê bao. Còn những mạng nhỏ như Gmobile, Vietnamobile sẽ là các nhà mạng đứng trước nguy cơ bị khách hàng rời mạng lớn nhất. Đó cũng là lý do mà Gmobile không tham gia chuyển mạng giữ số, còn Vietnamobile triển khai chậm lại.

Tin liên quan
Tin khác