Việc tạm thời dừng cưỡng chế số nợ thuế kể trên, theo Bộ Tài chính là nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp được sản xuất, kinh doanh ổn định trong thời gian thực hiện giải quyết khiếu nại.
Nhưng cả Bồng Miêu và Phước Sơn chỉ được tạm dừng cưỡng chế nợ thuế với điều kiện các lô hàng mới phát sinh phải nộp đủ các loại thuế trước khi nhận hàng.
Hiện Bồng Miêu và Phước Sơn (hai doanh nghiệp liên doanh của Tập đoàn Besra - Canada) tiếp tục khiếu nại (lần hai) đến Bộ Tài chính về các quyết định ấn định thuế của Tổng cục Hải quan.
Bồng Miêu và Phước Sơn cho rằng, việc Tổng cục Hải quan đình chỉ hoạt động xuất - nhập khẩu đã làm ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp khi nguyên vật liệu, máy móc đầu vào cũng như vàng nguyên liệu đầu ra không thể lưu thông.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính cần yêu cầu Tổng cục quan Hải quan thu hồi quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế cho đến khi khiếu nại quyết định về ấn định thuế được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý dứt điểm.
Theo Bộ Tài chính, việc ra quyết định ấn định thuế và cưỡng chế thuế đối với 2 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến vàng và các khoáng sản đi kèm tại Quảng Nam này là chính xác. Cụ thể, theo Luật Quản lý thuế, trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế về số tiền thuế do cơ quan quản lý thuế tính và ấn định, người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế đó, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ quyết định tính thuế, quyết định ấn định thuế của cơ quan quản lý thuế.
Đến thời điểm hiện tại, cả Bổng Miêu lẫn Phước Sơn vẫn chưa thực hiện việc nộp tiền thuế truy thu vào ngân sách nhà nước (Phước Sơn là 202 tỷ đồng và Bồng Miêu là 48 tỷ đồng) nên cơ quan quản lý nhà nước buộc phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiền nợ thuế, trong đó có biện pháp tạm dừng thông quan các lô hàng xuất - nhập khẩu cho đến khi doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng trữ lượng vàng của Việt Nam ước vào khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn. Sản lượng khai thác, chế biến vàng của tất cả các doanh nghiệp trên cả nước vào khoảng 2.500 kg vàng/năm. Trong đó, riêng Bồng Miêu và Phước Sơn khai thác khoảng 1.500 kg/năm.
Khung thuế tài nguyên đối với vàng là từ 9% đến 25%, nhưng hiện tại đang áp dụng mức thuế tài nguyên đối với vàng là 15%. Do nắm giữ đến 60% tổng khối lượng vàng khai thác, nên cả Bồng Miêu lẫn Phước Sơn bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất nâng thuế tài nguyên đối với vàng lên 22% của Bộ Tài chính với lý do, mức thuế suất này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình khai thác, chế biến, xuất khẩu vàng trong điều kiện giá vàng trên thị trường thế giới đang ở mức rất thấp.
| ||
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, quan điểm của 2 doanh nghiệp khai thác vàng kể trên đang nhận được 3 luồng ý kiến rất khác nhau.
Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành là 15% nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tích lũy nguồn lực tài chính, đầu tư công nghệ hiện đại để khai thác và chế biến sâu, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị của tài nguyên.
Loại ý thứ 2 tán thành với đề xuất của Bộ Tài chính về việc nâng thuế suất đối với vàng từ 15% lên 22% để góp phần hạn chế khai thác loại tài nguyên đặc biệt quý hiếm này, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tránh việc tăng với mức tăng quá lớn, tác động không thuận đến hoạt động của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, vàng là một trong những tài nguyên đặc biệt quý hiếm, trữ lượng còn lại là không nhiều trong khi đó, công nghệ khai thác chủ yếu là thủ công, gây lãng phí tài nguyên và tác động xấu đến môi trường. Do đó, đề nghị nâng thuế suất đối với vàng lên mức trần của khung hiện hành là 25%”, ông Hiển cho biết.
Về quan điểm cá nhân, ông Hiển cho rằng cần phải nâng thuế tài nguyên đối với vàng từ 15% lên 17% hoặc 18%. Với mức thuế suất này, theo ông Hiển không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
“Kể từ năm 2014, thuế suất thuế thu nhâp doanh nghiệp phổ thông giảm từ 25% xuống 22% và kể từ năm 2016 giảm xuống 20%. Như vậy, việc đồng thời nâng thuế tài nguyên và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cộng với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng kể từ 1/7/2017 thì mức đóng góp vào ngân sách của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác, chế biến, xuất khẩu vàng nói riêng không tăng, thậm chí còn giảm so với trước đây”, ông Hiển giải thích.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% cộng với nâng mức giảm trừ gia cảnh thì việc nâng thuế tài nguyên đối với vàng lên 22% các doanh nghiệp khai thác, chế biến, xuất khẩu vàng chỉ giảm lãi chứ chưa thể lỗ vốn.
“Theo tính toán, với mức thuế suất hiện hành là 15%, lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên vàng khai thác là trên 113 triệu đồng/kg; nếu nâng thuế tài nguyên đối với khoáng sản vàng lên 22% thì lợi nhuận/1 đơn vị tài nguyên vàng khai thác vẫn còn gần 74 triệu đồng/kg, nhưng ngân sách dự kiến thu được 306,6 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 97,5 tỷ đồng so với hiện nay để bù vào số giảm thu do giảm thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Tuấn phân tích.
Mạnh Bôn