Thời sự
Tâm lý sợ kinh tế tập thể vẫn đè nặng lên người dân
Mạnh Bôn - 18/11/2015 09:05
Đánh giá Luật Hợp tác xã năm 2012 sau 2,5 năm đi vào thực tiễn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Mai Xuân Hùng cho rằng, hoạt động của mô hình kinh tế tập thể đã có khởi sắc, nhưng để thực hiện được Chương trình phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định 2261/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì cần phải tiếp tục hỗ trợ mô hình kinh tế này.
TIN LIÊN QUAN

Ông cho rằng, hoạt động của HTX đã có khởi sắc. Điều này được thể hiện ở tiêu chí nào?

Số lượng HTX, doanh thu, lợi nhuận, thành viên, thu hút lao động tăng… đặc biệt là đóng góp của HTX vào GDP đã tăng, dù tăng rất thấp, nhưng đã chấm dứt được tình trạng suy giảm trong nhiều năm trước đó. Theo tôi được biết, nếu như năm 2012, HTX chỉ đóng góp vào GDP cỡ 5% thì đến năm 2013, tức là 6 tháng sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, kinh tế tập thể đã đóng góp vào GDP 5,05% và tăng lên 5,06% vào năm 2014 và năm nay dự kiến là 5,08%.

Nhưng thực tế thì rất nhiều người dân chưa mặn mà lắm với kinh tế tập thể?

Tôi khẳng định, trong số các luật về kinh tế, ít có luật nào lại hoàn thiện và tiếp cận với thông lệ quốc tế tốt như Luật HTX năm 2012. Đến nay, các văn bản hướng dẫn luật đã tương đối đầy đủ, các chính sách và cơ chế hỗ trợ cũng đã được ban hành tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, luật chưa thực sự đi vào cuộc sống như mong muốn có nguyên nhân là công tác tuyên truyền làm chưa tốt, nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ đã ban hành nhưng chưa có nguồn để thực hiện.

.

Mô hình HTX kiểu cũ được thành lập theo mệnh lệnh hành chính, không tuân theo quy luật của kinh tế thị trường đã qua đi mấy chục năm, nhưng tâm lý sợ kinh tế tập thể vẫn còn đè nặng lên nhiều thế hệ người dân, không dễ gì xóa đi được nếu không có cơ chế hỗ trợ và làm tốt công tác tuyên truyền.

Về hỗ trợ nguồn vốn thì đã có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được thành lập từ Trung ương đến cấp tỉnh rồi, thưa ông?

Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương được thành lập cách đây đã 10 năm với số vốn điều lệ ban đầu do ngân sách nhà nước cấp chỉ có 100 tỷ đồng, quá nhỏ so với nhu cầu. Còn ở địa phương, rất mừng là vài năm gần đây, nhiều tỉnh cũng đã thành lập quỹ, nhưng do mới thành lập, vốn liếng không nhiều, mỗi quỹ chỉ 10-20 tỷ đồng, nên công tác hỗ trợ còn rất hạn chế.

Còn việc tiếp cận vốn ngân hàng, Quốc hội và Chính phủ cũng rất muốn kinh tế tập thể tiếp cận được vốn ngân hàng, nhưng không thể ra mệnh lệnh hành chính bắt ngân hàng phải cho vay, vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp.

Vốn chỉ là một phần, để kinh tế tập thể thành công, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm như nhiều nước trên thế giới thì cần phải có nhiều chính sách khác nữa?

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2261/2014/QĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ HTX trong việc bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã.

Cái yếu nhất của kinh tế hợp tác hiện nay là trình độ quản lý của cán bộ lãnh đạo rất yếu, vì thế ngân sách nhà nước phải bảo đảm 100% kinh phí bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý và thành viên HTX; đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học xuống làm việc ở HTX có thời hạn để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các chính sách khác cũng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tới 80% tổng số kinh phí.

Ông cho rằng, nhiều người vẫn sợ mô hình kinh tế tập thể, muốn xóa được sự sợ hãi này cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nhưng chắc không thể tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh cấp xã suốt ngày ra rả về lợi ích khi tham gia HTX?

Cách thức tuyên truyền bằng khẩu hiệu, áp phích, hệ thống truyền thanh cơ sở đã quá lỗi thời, nếu tuyên truyền bằng cách này có khi lại phản cảm. Vì vậy, cách thức tuyên truyền hiệu quả nhất là tập huấn thật bài bản cho lãnh đạo cấp xã, cán bộ các phòng ban của huyện và những người này phải đi xuống tận người dân để tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến những lợi ích khi tham gia kinh tế hợp tác và những bất lợi nếu không tham gia khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới.

Đối với HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, ngoài tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ như trên, còn phải tăng hỗ trợ, ưu tiên như Nhà nước có thể hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng thành viên HTX bao gồm, trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, điện, nước sinh hoạt, chợ, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cửa hàng vật tư nông nghiệp, giao thông nội đồng.

Tin liên quan
Tin khác