Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nền nông nghiệp nước ta trong những năm vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cũng đứng trước những khó khăn thách thức gay gắt.
Từ cuối năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, thiên tai khốc liệt xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đó là rét đậm, rét hại xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc và đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ước tính, giá trị thiệt hại 6 tháng đầu năm 2016 lên đến gần 17.000 tỷ đồng.
Nông nghiệp nước ta chủ yếu dựa trên sản xuất nông hộ quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết (34,7% hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp có diện tích canh tác hộ dưới 0,2 ha/hộ, 69% số hộ có quy mô dưới 0,5 ha/hộ), nên rất khó khăn trong sản xuất hàng hóa, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiếp cận thị trường... dẫn đến chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm thấp, năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong quá trình hội nhập.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao đổi với báo chí bên lề QH (Ảnh: V.Hải - Lao Động) |
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhìn ở góc độ cơ hội thì thị trường mở ra, nhưng cũng mang theo đầy thách thức. Thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn ở châu Âu, Trung Á và những khu vực khác làm ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu nông sản và đầu tư vào ngành. Nếu không chuẩn bị tốt về các phương diện từ nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách, hàng rào kỹ thuật và quản lý, tố chức sản xuất thì sẽ bị xâm lấn ngay ở thị trường nội địa.
Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ thông suốt, hạn chế đến mức thấp nhất mặt trái của hội nhập.
Trước yêu cầu phát triển của ngành trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu, rộng, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.
"Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2016, cần chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, nhất là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp để bù lại cho thiệt hại ngành trồng trọt trong 6 tháng đầu năm do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong lĩnh vực trồng trọt, cần chỉ đạo sát sao, cụ thể để phát triển sản xuất, khắc phục tăng trưởng âm thời gian qua, nhất là trên những đối tượng cây trồng chủ lực là lúa, cà phê, hồ tiêu, rau quả,…Chú trọng bảo vệ phát triển rừng vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và rừng ngập mặn ven biển. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu", ông Cường cho biết.
Còn về lâu dài theo Bộ trưởng, cần phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án về tái cơ cấu nông nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 và 6 đề án tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực đã được Bộ phê duyệt, đề án của các địa phương; tổ chức lại nền nông nghiệp của nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị. Khẩn trương rà soát quy hoạch, phát huy lợi thế so sánh của các vùng trong cả nước.
Theo đó, đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long phải quy hoạch diện tích sản xuất lúa gạo, phát huy lợi thế về nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.
Vùng Tây nguyên, Đông Nam Bộ sẽ phát triển các cây công nghiệp dài ngày cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái…theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ nâng cao giá trị gia tăng.
Vùng Nam Trung Bộ sẽphát triển nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, phát triển nông nghiệp tưới tiết kiệm nước vùng khô hạn, phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển.
Vùng đồng bằng sông Hồng, ngoài các sản phẩm hiện có, khuyến khích mở rộng sản xuất rau quả, chăn nuôi.
Vùng miền núi phía Bắc sẽ phát triển lâm nghiệp, trồng cây gỗ lớn, dược liệu, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù có giá trị kinh tế cao theo từng vùng sinh thái đặc thù.
Tiếp tục rà soát về thể chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn, khuyến khích sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lại sản xuất, coi doanh nghiệp là “đầu tàu” trong liên kết, trong đó quan tâm đến lợi ích của nông dân; củng cố, phát triển HTX mới theo Luật Hợp tác xã 2012 đã ban hành; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, nhất là giống và công nghệ sinh học vào sản xuất. Ngoài ra, quan tâm đặc biệt đến thị trường tiêu thụ nông sản cả trong và ngoài nước.
Đối với việc nâng cao giá trị hàng thủy sản và lâm sản xuất khẩu, Bộ trưởng cho rằng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 năm gần đây tăng trưởng khá mạnh, trung bình tăng 9,7 %/năm. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lâm sản đạt 7,2 tỷ USD, thủy sản đạt 6,6 tỷ. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt gần 7,1 tỷ USD.
Tuy giá trị xuất khẩu lâm sản, thủy sản đạt được kết quả khá cao như vậy nhưng thực tế, giá trị mà người sản xuất trực tiếp được hưởng còn hạn chế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có những lý do sau: Trong lâm nghiệp, những năm vừa qua, nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu từ trong nước rất hạn chế, chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài (đến nay nguyên liệu trong nước mới đáp ứng được khoảng 60 - 65%). Nguyên liệu phụ trợ cho chế biến lâm sản chiếm tỷ lệ cao trong giá thành để xuất khẩu nhưng chủ yếu là nhập từ nước ngoài, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp trong nước chủ yếu là thu mua nguyên liệu, gia công sản phẩm. Sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu còn thiếu chặt chẽ. Người trồng rừng thiếu kênh kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp chế biến, bị chi phối qua khâu thu mua trung gian, do đó luôn ở tình trạnh bị động, chưa làm chủ công đoạn sản xuất của mình trong chuỗi giá trị sản xuất.
Thực trạng trên cho thấy, hưởng lợi chủ yếu là các doanh nghiệp FDI thu lợi nhuận trong giai đoạn chế biến sâu, thương mại, xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong nước thu lợi nhuận trong giai đoạn trung gian như thu mua, sơ chế. Vì vậy người trồng rừng chưa được hưởng lợi nhiều về thu nhập kinh tế đối với sản phẩm lâm sản xuất khẩu.
Trong thủy sản, công tác tổ chức sản xuất vẫn còn bất cập, chưa chặt chẽ, còn nhiều khâu trung gian dẫn đến chi phí vật tư đầu vào như thức ăn, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, xăng dầu, ngư lưới cụ còn cao; công tác bảo quản, chế biến, đa dạng sản phẩm còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; sản xuất mới chú trọng vào tăng sản lượng mà chưa chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trườngtrong điều kiện hội nhập nên lợi nhuận thu về còn thấp.
Ngoài ra, đầu tư hạ tầng cho nuôi trồng, khai thác thủy sản còn hạn chế; dịch bệnh thủy sản diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực... là những yếu tố làm cho giá trị gia tăng cho người sản xuất trực tiếp không cao.
Để giảm thiểu khó khăn, nâng cao thu nhập, đời sống người sản xuât lâm nghiệp, thủy sản, trong thời gian tới theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.
Đó là tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn. Liên kết các tổ chức, cá nhân trong các công đoạn để xây dựng các chuỗi giá trị, các sản phẩm chủ lực. Lấy doanh nghiệp làm nòng cốt nhưng quan tâm đặc biệt đến vai trò, lợi ích của người trực tiếp- Công tác tổ chức sản xuất vẫn còn bất cập, liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ, còn nhiều khâu trung gian dẫn đến chi phí vật tư đầu vào như thức ăn, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản, xăng dầu, ngư lưới cụ còn cao; giá bán sản phẩm thấp vì sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường và không ổn định, dễ bị tác động khi thị trường thay đổi; sản xuất chưa đáp ứng thị hiếu, yêu cầu thị trường, sản xuất chú trọng vào tăng sản lượng mà chưa chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường nên lợi nhuận thu về còn thấp.
Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các nông lâm trường quốc doanh theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tạo điều kiện hơn nữa về đất đai cho người trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng.
Đẩy mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất lâm nghiệp, thủy sản, ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn tạo giống, phát triển công nghệ bảo quản, chế biến. Hướng dẫn người dân áp dụng các công nghệ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm,giảm chi phí đầu vào, mang lại lợi nhuận cao hơn.
Các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, trong đó đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ cho người trồng, bảo vệ rừng, nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Huy động các nguồn lực để đầu tư vào lâm nghiệp, thủy sản, trong đó quan tâm đến phát triển hạ tầng sản xuất; sản xuất nguyên liệu phụ trợ phục vụ sản xuất, xuất khẩu; phát triển các cơ sở chế biến, dịch vụ để mang lại điều kiện tốt hơn cho người dân phát triển sản xuất.
Rà soát, tổ chức lại bộ máy để hướng đến mục tiêu phục vụ tốt hơn cho người sản xuất và doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản cả trong và ngoài nước.