John Flannery, tân CEO General Electric |
John Flannery đã là người đi "chữa cháy" cho General Electric (GE) trong nhiều năm. Trong những ngày tháng làm việc ở GE, đi từ châu Mỹ Latinh sang châu Á rồi quay trở lại Mỹ, Flannery đều dựa vào năng lực quản trị để cải thiện lợi nhuận ở các bộ phận đang gặp khó khăn, bành trướng ra toàn cầu và thực hiện các cuộc thâu tóm.
Giờ ở tuổi 55 và với vai trò tân CEO, vị cựu chiến binh có 30 năm tuổi đời tại GE được giao nhiệm vụ phải "chữa cháy" tình hình kinh doanh ở tập đoàn công nghiệp này: làm sao cải thiện tổng lợi nhuận của GE và hồi sinh một mã cổ phiếu đã ì ạch trong hầu hết nhiệm kỳ 16 năm của người tiền nhiệm Jeffrey Immelt.
Di sản của Immelt
Immelt đã trở thành một trong những CEO nổi tiếng nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ giành được sự tán dương mà Phố Wall đã không tiếc lời tặng cho người tiền nhiệm của ông: Jack Welch. Giá cổ phiếu đã giảm 30% kể từ lúc Immelt làm CEO, khi ông đối mặt với nhiều lời chỉ trích về việc cắt giảm cổ tức trong năm 2009 và trả quá cao đối với một số thương vụ thâu tóm. Ông cũng đã dựng lên bộ phận dầu khí chỉ ngay trước khi giá dầu giảm mạnh.
Sau đó, Immelt đã đưa ra nhiều nỗ lực tái cấu trúc trong đó có việc rút GE gần như hoàn toàn khỏi mảng các dịch vụ tài chính, vốn từng chiếm tới phân nửa doanh số bán của GE. Nhưng dù nỗ lực thế nào, có 2 lỗi lầm lớn khiến cho nhà đầu tư khó lòng khoan dung đối với ông.
Thứ nhất, Immelt đã chậm nhận ra mức độ nguy hiểm của bộ phận tài chính GE. Vào năm 2007, bộ phận tài chính của GE đã đóng góp tới 55% lợi nhuận và "tích lũy" món nợ lên tới 500 tỉ USD. Khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, nguồn tài trợ vốn của GE bị cạn kiệt và lợi nhuận cũng sụp đổ. Immelt dù đã đóng cửa phần lớn bộ phận tài chính vào năm 2015 nhưng vào thời điểm đó, thiệt hại cũng đã xảy ra.
Thứ hai là tình hình hoạt động của mảng phi tài chính cũng khá ảm đạm. GE đã từ bỏ mảng truyền thông, nhựa và thiết bị nhà bếp và dấn thân vào mảng chăm sóc sức khỏe, năng lượng và cơ sở hạ tầng điện. Nhưng các cuộc thâu tóm và đầu tư vào các lĩnh vực mới lại đắt đỏ, trong khi nguồn vốn sử dụng của GE đã phình to nhưng mức lợi nhuận mang về lại không tương xứng. Kết quả hoạt động yếu kém cùng với chi phí từ hoạt động tái cấu trúc có nghĩa là dòng tiền của GE cũng chỉ tương đương như năm 2001. GE có thể nói đang giậm chân tại chỗ.
"GE sẽ phải mất nhiều năm mới xác định được những trái ngọt từ một số sáng kiến của Immelt, trong đó có bộ phận kỹ thuật số, nhưng thị trường không muốn cho Immelt một sự công nhận nào đối với những khoản đầu tư này vì quá nhiều việc ông làm trong quá khứ đều không cho ra kết quả", Scott Davis - Chuyên gia phân tích tại Barclays Plc, nhận định.
Flannery có làm nên chuyện?
Thay CEO là một cách để ban quản trị tập đoàn này thông báo với nhà đầu tư rằng GE đã sẵn sàng thay đổi. Và Phố Wall dường như cũng vui mừng với thông tin bổ nhiệm Flannery vì vị CEO mới được xem là một người có tầm nhìn lớn, có thể dẫn dắt GE bước vào thời đại kỹ thuật số và điều hành với phong cách nhẹ nhàng hơn so với vị tiền nhiệm có cá tính khá mạnh.
Giá cổ phiếu GE đã tăng mạnh nhất trong hơn 1,5 năm khi Flannery phát đi thông điệp rằng mỗi một công ty trực thuộc GE phải trải qua sự săm soi, dò xét kỹ lưỡng, cam kết với nhà đầu tư rằng sẽ “hành động với tốc độ nhanh, khẩn thiết và không e dè”.
Gần đây nhất, Flannery đã phô diễn khả năng lội ngược dòng với vai trò đứng đầu bộ phận y tế 18 tỉ USD của GE, chuyên sản xuất máy móc thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Đảm nhận vai trò này vào năm 2014, ông đã đẩy mạnh doanh số bán và lợi nhuận và năm ngoái đã đạt được mức tăng biên lợi nhuận gấp đôi so với mức ông cam kết. Mảng y tế mà ông điều hành hiện đóng góp 20% lợi nhuận của GE.
Được biết, sau khi có được bằng cử nhân tài chính và bằng MBA của Trường Wharton, ông đã bỏ ra 10 năm làm việc tại văn phòng ở bang Connecticut thuộc bộ phận GE Capital, trước khi được phân công sang Argentina vào năm 1997 để hỗ trợ các cơ sở hoạt động Mỹ Latinh. Ông cũng đã từng làm việc tại Nhật và Ấn Độ.
Trong khi các nhà lãnh đạo GE trước đó thường có nhiều kinh nghiệm đối với mảng sản xuất của Công ty thì ngược lại, Flannery lại trải qua hầu hết sự nghiệp của mình trong các công việc liên quan đến tài chính. “Với kiến thức và kinh nghiệm ở mảng tài chính, có thể ông sẽ đưa tính kỷ luật tài chính vào vai trò CEO”, Julian Mitchell, chuyên gia phân tích tại Credit Suisse, nhận xét. Mitchell nói thêm Flannery luôn nỗ lực đẩy mạnh doanh số bán và lợi nhuận tại nhiều khu vực mà ông hoạt động.
Flannery cũng là nhạc trưởng cho thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của GE - thương vụ mua lại bộ phận năng lượng của Tập đoàn Alstom SA với giá 10 tỉ USD - khi ông đứng đầu mảng M&A của GE trong giai đoạn 2013-2014. Thương vụ này đã giúp cho Flannery tỏa sáng sau nhiều năm sống xa ánh đèn sân khấu.
“Ông ấy luôn nói những gì ông nghĩ. Ông không có tính cách hào nhoáng như Jack Welch hay Jeff Immelt. Ông là kiểu người thâm trầm, lặng lẽ”, Scott Davis, chuyên gia phân tích tại Barclays Plc, vốn theo dõi GE trong hơn 1 thập niên, nhận xét.
Dù có nhiều ưu điểm, nhưng thách thức mà Flannery đối mặt cũng không ít. Có 2 nhiệm vụ lớn đang chờ đợi ông. Hiện tại, các chuỗi cung ứng của GE trải khắp thế giới và Tập đoàn đang ngày càng trở nên toàn cầu hóa, với 57% doanh số bán đến từ thị trường nước ngoài so với con số 29% khi Immelt mới nhậm chức CEO. GE sẽ phải ra sức bảo vệ mình trước xu hướng bảo hộ đang gia tăng ở thị trường nội địa và nước ngoài. Điều này đòi hỏi phải có các kỹ năng giao tiếp và ngoại giao của người đứng đầu.
Một nhiệm vụ khác là cải thiện tình hình tài chính ảm đạm của GE. Trian, một quỹ đầu cơ chủ động có sở hữu cổ phần tại GE, đang tạo áp lực buộc GE phải nhanh chóng thay đổi. Trừ phi các con số tài chính sớm cải thiện, nếu không sức ép có thể buộc GE phải chia tách.
Tuy vậy, Jack Welch lại có niềm tin vào Flannery. Ông nói: “John Flannery có nền tảng tốt trong hoạt động toàn cầu, đàm phán thương vụ và gần đây nhất là dẫn dắt mảng y tế trị giá 18 tỉ USD của GE lội ngược dòng thành công. Ông sẽ mang đến sự tập trung mạnh mẽ vào hoạt động nội bộ, đưa Công ty tiến về phía trước”, Welch nói trong email.
Flannery cũng nói rõ định hướng của mình: “Nhà đầu tư muốn sự minh bạch và niềm tin vào dòng tiền tương lai và vị thế cạnh tranh của Công ty, vốn là những điều giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn. Hướng tập trung của chúng tôi là điều hành công ty với mục đích mang lại dòng tiền và tăng trưởng”, Flannery nói.