Doanh nhân
Tân Chủ tịch PVN đối mặt với thách thức nào?
Thanh Hương - 23/07/2014 09:36
Có 30 năm làm việc trong ngành dầu khí, ông Nguyễn Xuân Sơn, tân Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dẫu là gương mặt quen thuộc của ngành dầu khí, nhưng vẫn được xem là luồng gió mới bởi chuyên môn và các vị trí đã đảm nhiệm trước đó đều trong lĩnh vực tài chính.  
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hàng chục công ty "cháu" của PVN làm ăn yếu kém
Thủ tướng bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí
Doanh thu PVN đạt quy mô Bảng Fortune 500 toàn cầu

PVN hiện là doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam với đóng góp lớn trong ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, ngành dầu khí cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn mới trong quá trình phát triển.

   
  Ông Nguyễn Xuân Sơn (đứng giữa), Chủ tịch HĐTV của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  

Hiện PVN đang thực hiện 69 dự án tìm kiếm, thăm dò, trong đó có 60 dự án ở ngay vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Ngoài ra, có 35 dự án khai thác dầu khí, trong đó 31 dự án được thực hiện trên thềm lục địa và vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Bởi vậy, trong quá trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác, bên cạnh vấn đề hiệu quả kinh tế của bản thân doanh nghiệp cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế của đất nước, câu chuyện phối hợp với các lực lượng liên quan để đẩm bảo quyền chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam cũng là một nhiệm vụ đặc biệt với PVN.

Ở trên bờ, PVN cũng đang tham gia đầu tư các dự án nhiệt điện than lớn công suất 1.200 MW gồm Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhiệt điện Long Phú 1, Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhiệt điện Quảng Trạch 1 mà quy mô đầu tư đòi hỏi cỡ 1,7-2 tỷ USD/dự án.

Cạnh đó là các dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có quy mô hơn 9 tỷ USD hay Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam trên 4 tỷ USD đều có sự tham gia của PVN dù phần vốn không nhiều hay một loạt các dự án khác cũng đang đòi hỏi tập trung công sức để đẩy mạnh tiến độ triển khai để đóng góp sản phẩm cho nền kinh tế.

Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc của PVN cũng cho hay, ngành dầu khí đang chứng kiến thực tế cứ thêm ngày, thêm năm càng lớn mạnh thì càng thêm các thách thức và thách thức ngày càng lớn.

Ở trong nước, thách thức đó là vươn ra những vùng khó khăn hơn, khai thác các mỏ khó hơn. Còn ở nước ngoài thì cũng phải đến những vùng xa xôi hơn và cạnh tranh nhiều hơn với các đối thủ trên thế giới. Các lĩnh vực khác ngoài thăm dò, khai thác cũng đối mặt với không ít thách thức, đó là chi phí ngày càng lớn, vận hành khó hơn, công nghệ đòi hỏi cao hơn trong khi nguồn lực có sự hạn chế nhất định.

Bởi vậy trọng trách đảm bảo phát triển và bền vững được đặt lên vai tân Chủ tịch HĐTV của PVN cũng như cuối năm 2014 sẽ có thêm tân Tổng giám đốc khi ông Đỗ Văn Hậu đến tuổi nghỉ chế độ, là không hề nhỏ.

Trước đó vào thời Bộ trưởng Đinh La Thăng còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV của PVN (10/2006 - 8/2011), mục tiêu đuổi kịp các tập đoàn trong khu vực như Petronas của Malaysia cũng đã được công khai nhắc tới, nhưng tới giờ vẫn chưa có một tổng kết nào được đưa ra về tốc độ tiến lên của PVN so với Petronas.

Tại lễ trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV của PVN, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhận xét rằng, PVN đã bước ra ngoài, nhưng năng lực cạnh tranh vẫn còn yếu, bởi vậy, chính PVN trong quá trình phát triển cần phải nhìn nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để có giải pháp khắc phục nhằm đạt mục tiêu trở thành tập đoàn mạnh và có năng lực cạnh tranh trong điều kiện thế giới hội nhập ngày càng sâu và ngày càng phẳng.

Ở một khía cạnh khác, việc người đứng đầu của một tập đoàn lớn như PVN có thế mạnh là tài chính chứ không phải là hoạt động chuyên ngành dầu khí cũng được hy vọng sẽ có những chuyển động mới trong câu chuyện tài chính – vốn đầu tư mà hiện chưa phải là điểm mạnh của PVN.

Số liệu 6 tháng đầu năm 2014 của PVN cũng cho thấy, tổng doanh thu của toàn Tập đoàn là 380.000 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với mức thực hiện của cùng kỳ năm 2013, song hiệu quả hoạt động lại giảm sút mạnh. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân của 6 tháng đầu năm 2014 đạt 6,5%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân đạt 3,3%; thấp hơn so với các con số tương ứng của 6 tháng đầu năm 2013 là 7,5% và 3,8%.

Nguyên nhân khiến cho hiệu quả hoạt động bị giảm sút được PVN chỉ ra là do sản lượng một số sản phẩm chủ yếu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013, trong khi giá dầu trung bình chỉ tăng 1%.

Tuy nhiên, các số liệu lợi nhuận từ các đơn vị thành viên của PVN cũng cho thấy thực tế, những lĩnh vực mà PVN đang có sự độc quyền quản lý (hoặc hoạt động như khai thác dầu, khí, lọc dầu và có lợi thế từ khai thác tài nguyên đất nước, không phải cạnh tranh với các đơn vị khác) đều có hiệu quả hoạt động cao. Còn các lĩnh vực có sự cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thì hiệu quả hoạt động cũng không có gì xuất sắc.

Tên đơn vị

Vốn chủ sở hữu bình quân 6 tháng 2014 (tỷ đồng)

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng 2014 (tỷ đồng)

Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí – PVEP

74.649

9.272

Công ty liên doanh Dầu khí Vietsovpetro – VSP

95.378

8.599

Tổng công ty Khí - PV Gas

34.296

6.428

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR

27.785

2.081

Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí - PV Drilling

10.279

1.115

Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam – PTSC

8.102

735

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – PVFCCo

9.201

641

Tổng công ty Điện lực Dầu khí – PVP

14.103

505

Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau – PVCFC

3.982

416

Tổng công ty Dung dịch khoan & Hóa phẩm Dầu khí - DMC

860

133

Tổng công ty Vận tải Dầu khí - PV Trans

3.047

122

Tổng công ty Dịch vụ Tổng hợp dầu khí – Petrosetco

1.285

101

Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí – PVI

6.118

93

Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – PVCombank

9.750

55

Tổng công ty Dầu Việt Nam – PV Oil

9.820

49

Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí – PVE

302

7

Tin liên quan
Tin khác