- TP.HCM hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới thúc đẩy nền kinh tế xanh
- TP.HCM phát triển kinh tế xanh cần có trọng tâm, không theo phong trào
- Tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu của TP.HCM
- Phó thủ tướng Lê Minh Khái: Chậm chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ tụt hậu trong phát triển xanh
Tại phiên thảo luận với chủ đề "Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh - Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không", TS. Trần Du Lịch với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Thành phố, ông đã đưa ra một số ý kiến để Thành phố thực hiện.
Trong đó, ông kiến nghị Thành phố cần tận dụng Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù để thực thi mục tiêu tăng trưởng xanh. Cụ thể là phải tính toán giảm khí thải hệ thống giao thông cá nhân (xe máy). Nếu chuyển được xe máy thành xe đạp thì thành phố có thể giảm khá lớn về khí thải.
“Tôi đề nghị phải tạo điều kiện cho người dân đi được xe đạp, vì nếu đi xe đạp không an toàn thì người ta lại đi xe máy thôi", ông Lịch nói.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia kiến nghị Thành phố cần tận dụng Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù để thực thi mục tiêu tăng trưởng xanh. Ảnh: Thuận Văn |
Cũng theo chuyên gia này, thành phố cần xây dựng khung chiến lược chuyển đổi kinh tế xanh, tận dụng và xử lý ngay vấn đề năng lượng tái tạo. Ông Lịch cho rằng, Thành phố có lượng khí thải carbon chiếm tỷ trọng lớn so với cả nước. Vì thế, thành phố nên có tính toán lại toàn bộ giá điện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị sản phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, trong chia sẻ trước đó, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Thành phố - đơn vị tham gia xây dựng khung chiến lược, cho hay những năm gần đây, kinh tế Thành phố có xu hướng chậm lại nên cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, trong đó có kinh tế xanh và kinh tế số.
Để phát triển kinh tế xanh, Thành phố đã có chủ trương, chính sách các cấp nhưng ông An cho rằng phần lớn mang tính chất định hướng, chưa có hỗ trợ cụ thể. Hai lĩnh vực quan trọng cần chuyển đổi là năng lượng và giao thông còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ.
Theo đó, nguồn cung điện mặt trời mới chiếm 7% cho TP.HCM. Biểu giá năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn và cần thay đổi thu hút nhà đầu tư. Tỷ lệ xe điện rất thấp, xe buýt có xu hướng giảm dù được trợ giá. Ngoài ra, thị trường tiêu dùng xanh còn nhỏ, công nghệ và tính liên kết yếu. Thị trường tái chế chất thải hình thành nhưng vướng giấy phép, tính pháp lý.
Trong bối cảnh nguồn vốn để tăng trưởng xanh rất lớn, nhưng ngân sách hạn hẹp, ông An cho rằng, cần đưa nguồn vốn xanh vào chương trình kích cầu để thu hút đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, tìm kiếm hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế. Nghị quyết 98 cho phép Thành phố thí điểm thị trường carbon, nhưng phương thức, tiêu chuẩn để kết nối với thị trường thế giới cần xây dựng.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng đánh giá dù đã trải qua những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ trong giai đoạn dịch Covid-19, Thành phố đang vươn mình và phục hồi mạnh mẽ. Tư duy đầy đủ và tích cực hơn về triển khai cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội sẽ giúp Thành phố “làm mới” vai trò động lực kinh tế đối với vùng và đối với cả nước.
Bà Minh nhìn nhận một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Nghị định này sẽ góp phần cụ thể hóa các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời tạo không gian pháp lý đủ an toàn, thuận lợi để nhà đầu tư sớm hiện thực hóa các ý tưởng, dự án về kinh tế tuần hoàn.
Các chuyên gia thảo luận tại tại phiên 1 với chủ đề Hệ sinh thái của mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh - Kinh nghiệm trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không. Ảnh: Thuận Văn |
Hồ sơ dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương. Trong đó, 6 nhóm chính sách trong cơ chế thử nghiệm bao gồm các chính sách về khu kinh tế, khu công nghiệp; phân loại xanh; tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; tín dụng xanh, trái phiếu xanh; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; và chính sách đất đai. Nội dung các chính sách được đề xuất cũng có sự liên kết: chẳng hạn, các dự án kinh tế tuần hoàn phù hợp theo chính sách phân loại xanh có thể được hỗ trợ chính sách về tín dụng xanh.
Dự thảo đề xuất tập trung thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực như nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng. Các ngành này tạo không gian đủ rộng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đề xuất phát triển các dự án kinh tế tuần hoàn có gắn với liên kết đầu vào-đầu ra giữa các ngành, ứng dụng đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, tăng lợi nhuận, giá trị gia tăng và năng suất.
Các ngành này cũng cần động lực lớn từ mô hình kinh tế tuần hoàn để nhanh chóng thực hiện cơ cấu lại và phục hồi tăng trưởng một cách hiệu quả trong thời gian tới. Điểm quan trọng là tư duy về ngành, lĩnh vực cần tránh cứng nhắc, bởi các dự án kinh tế tuần hoàn trong một ngành có thể có hoạt động thuộc ngành khác.
"Tôi tin tưởng rằng, nếu có thêm cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, quá trình phục hồi và cơ cấu lại kinh tế của Thành phố sẽ nhanh, hiệu quả và toàn diện hơn. Khi ấy, thực tiễn triển khai của Thành phố chính là một cơ sở quan trọng để chúng tôi có những kiến nghị sâu sắc, quan trọng hơn phục vụ quá trình chuyển đổi xanh của đất nước”, bà Minh nhấn mạnh.