TP.HCM sẽ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số, tăng cường công tác truyền thông về chuyển đổi số đến người dân và doanh nghiệp của Thành phố |
Liên kết, tìm giải pháp từng ngành
Không phủ nhận Covid-19 là thảm họa với thế giới, nhưng đứng ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, Việt Nam có khoảng “một năm thời cơ” để tăng cường nội lực mà không sợ bị áp lực cạnh tranh như bình thường. Nghĩa là phải tận dụng cơ hội này để tạo sức ép cho các doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung thực hiện chuyển đổi số một cách cấp bách và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích, để thế giới trở lại trạng thái “như cũ” thì cứ 1 triệu dân, chỉ có dưới 10 người nhiễm Covid-19 phải nằm điều trị trong bệnh viện. Trong khi đó, hiện nay, bình quân trên thế giới cứ 1 triệu dân có 1.250 người đang điều trị Covid, tức gấp ngưỡng an toàn 125 lần.
“Vậy cần mất bao lâu để từ mức 1.250 người xuống dưới 10 người nhiễm trên 1 triệu dân? Chúng tôi tính toán là không dưới 1 năm. Một năm tới là thời cơ để mình có thể vươn lên mà không chịu áp lực cạnh tranh lớn”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Thêm vào đó, ông Nhân cho rằng, việc số hóa tài nguyên dữ liệu của các doanh nghiệp và Chính phủ cũng cần được thực hiện khẩn trương hơn. Sẽ là lãng phí nguồn lực nếu mỗi doanh nghiệp tự tìm một đơn vị để tư vấn số hóa, trong khi có thể tính đến phương pháp liên kết với các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề với cơ cấu dữ liệu hầu như là giống nhau.
Ông Nhân khuyến nghị, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp số hóa nên ngồi lại, thảo luận với nhau, từ đó hình thành từng nhóm để cung cấp giải pháp cho từng ngành sao cho hiệu quả cao, chi phí thấp, mà vẫn có khả năng thích ứng với tình hình kinh doanh hiện nay.
Về nguồn tiền đầu tư, các ngân hàng có thể đánh giá về mức độ rủi ro trong từng ngành khi số hóa trước khi thống nhất một gói hỗ trợ tài chính.
Từ phía doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, TS. Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty TMA Solutions cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế tại các nước, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, Nhà nước luôn là khách hàng lớn của nền kinh tế.
Trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam cần tăng ngân sách để đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ quan, bộ, ngành, triển khai 5G, khuyến khích họp trực tuyến... Từ đó, Chính phủ sẽ tiên phong trong ứng dụng công nghệ, cùng lúc thúc đẩy cả thị trường số hóa phát triển.
Từng bước đổi mới nhận thức
Tròn 1 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ngày 3/7/2020, UBND TP.HCM đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố. Theo đó, với tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, việc đầu tiên cần làm để mở đầu cho số hóa chính là đổi mới tư duy, nhận thức, bởi đây vẫn là vấn đề khá mới với hầu hết mọi người. “Cánh cửa đầu tiên đi vào chuyển đổi số, chính là đổi mới tư duy, nhận thức”, bà Trinh nhắc lại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số đặt ra yêu cầu những người tham gia phải có tư duy, cách làm mới, dám nghĩ, dám làm, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường sống, làm việc, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức ở từng cá nhân, từng tổ chức. Và việc này chỉ có được qua quá trình đào tạo và tự học.
Do đó, sắp tới, TP.HCM sẽ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số, tăng cường công tác truyền thông về chuyển đổi số đến người dân và doanh nghiệp của Thành phố. Song song đó, TP.HCM sẽ hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu với ít nhất 2 trung tâm dữ liệu có năng lực tính toán cao và được kết nối đồng bộ, hoạt động ổn định, dựa trên công nghệ điện toán đám mây và kiến trúc siêu hội tụ.
Hệ sinh thái dữ liệu mở của TP.HCM và kho dữ liệu dùng chung cũng được hình thành nhằm tạo kênh thông tin, chia sẻ tài nguyên dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp sử dụng phục vụ cuộc sống, công việc. Từ đó khuyến khích người dân tham gia giám sát, quản lý các hoạt động của chính quyền, xã hội.