Kết nối, hội nhập là xu hướng tất yếu
Kết nối và hợp tác từ cấp độ quốc gia cho tới từng người dân, doanh nghiệp là xu hướng tất yếu hiện nay, bởi sự hợp tác sẽ mở ra những cơ hội mới, tận dụng tối đa năng lực của các bên để cùng nhau phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, kết nối và hợp tác từ cấp độ quốc gia cho tới từng người dân, doanh nghiệp là xu hướng tất yếu hiện nay, bởi sự hợp tác sẽ mở ra những cơ hội mới, tận dụng tối đa năng lực của các bên để cùng nhau phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, kết nối và hợp tác càng trở nên quan trọng.
Tuy nhiên, “làm thế nào để kết nối?” và “kết nối làm sao cho hiệu quả?” là những vấn đề mà các doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn.
Thấu hiểu vấn đề này, trong khuôn khổ Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS) diễn ra tuần qua, “Chương trình Kết nối giao thương - Hội nhập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam vào chuỗi cung ứng” cũng đã được tổ chức bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME). Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hợp phần Kết nối thị trường của Dự án USAID Link SME được chủ trì bởi Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn tham gia sự kiện bày tỏ quan tâm đến cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo |
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ… do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã được ban hành và có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, start-up về kinh nghiệm để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Giám đốc R&D Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, doanh nghiệp này đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đầu tư về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi. Đồng thời, thực hiện cải tiến máy móc, nghiêm túc đầu tư công tác đăng ký các chứng chỉ, chứng nhận quốc tế, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, an toàn…
“Với thực trạng các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam hiện nay hầu hết đều là tự phát, riêng lẻ, chưa tạo được chuỗi cung ứng liên hoàn, chúng tôi đã và đang cố gắng xây dựng cụm cung ứng để các công ty thành viên có thể liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi học hỏi kinh nghiệm và tăng lợi thế cạnh tranh”, ông Long chia sẻ.
Những cái “bắt tay” khởi đầu
Tuy là hoạt động bên lề VVS 2020, song hoạt động đã chứng minh tính hiệu quả trong giải quyết bài toán phân phối cũng như kết nối giao thương của doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp đầu chuỗi.
Tại chương trình, các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng đã được kết nối với các quỹ đầu tư tham dự chương trình và tổ chức giới thiệu ý tưởng sản phẩm trực tiếp và trực tuyến trong ngày sự kiện. Đây là cơ hội lớn cho các start-up có sản phẩm ý tưởng công nghệ vượt trội đã được chọn lọc thông qua hàng loạt các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp giai đoạn vừa qua để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các quỹ đầu tư lớn trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong chương trình này, đã có nhiều thoả thuận hợp tác được ký kết để sớm triển khai trong thực tiễn.
Các biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết tại VVS 2020 |
Đại diện CTCP Công nghệ và Truyền thông Smart Life cho biết, tại chương trình, đơn vị này và CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Bồ Đề đã “bắt tay” hợp tác để ứng dụng nền tảng Quản lý chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Thủy sản Bồ Đề. Đây là minh chứng cho thấy, chương trình đã góp phần kết nối, giúp start-up tiếp cận thị trường tiềm năng, đóng góp cho quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệm một cách thuận lợi và hiệu quả.
Đối với CTCP Kỹ thuật Môi trường Hoa Việt - doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng “xanh” như tấm lợp nhựa, ngói nhựa, gạch nhựa, Chương trình Kết nối giao thương cũng đem lại nhiều tiềm năng hợp tác. Công ty này cho biết, các sản phẩm của Hoa Việt đã được đánh giá rất cao về ý nghĩa, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường vì một thế giới “xanh”.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam cũng được trình diễn tại sự kiện này và nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp tham gia sự kiện.
Công ty Aubot chuyên thiết kế, chế tạo và cung cấp các giải pháp trong ngành logistics là một trong số đó. Doanh nghiệp này cho biết, công ty đang thiết kế chế tạo nhiều mẫu thiết bị tự động kéo hàng, chở hàng, nâng pallet… và xuất khẩu sang một số thị trường lớn, trong đó có Nhật Bản. “Đây là minh chứng cho thấy, các công ty đổi mới sáng tạo Việt Nam đủ năng lực sáng chế các sản phẩm công nghệ vượt trội để chuyển giao cho nước ngoài”, đại diện của Aubot tự tin khẳng định.
Hay như thiết bị tiết kiệm nhiên liệu GREENTECH dành cho xe máy, ô tô… của CTCP Công nghệ Năng lượng xanh cũng được các doanh nghiệp tham gia VVS quan tâm, bởi sử dụng công nghệ phản ứng phân tử được cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ. Sản phẩm này giúp cải thiện hiệu suất trong việc giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm lượng khí thải độc hại đáng kể.
Đối với Công ty TNHH Nương Bắc của cô chủ trẻ tuổi Nguyễn Thu Hoài, đổi mới sáng tạo là "mang con mắt của người trẻ vào trong sản phẩm truyền thống". Lựa chọn hướng đi bằng cách “nâng tầm” cho sản phẩm truyền thống mang tính “Quốc thực” của Việt Nam là bánh chưng, Nương Bắc sử dụng nguyên liệu organic để tạo ra sản phẩm, đồng thời phát triển mẫu mã để đưa bánh chưng và nhiều sản phẩm truyền thống trong tương lai trở thành quà tặng cao cấp.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều bày tỏ kỳ vọng, thông qua các hoạt động kết nối này, những cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường và đặc biệt là tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn, các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được khai mở.