Thời sự
Tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào
Hà Nguyễn - 10/01/2023 17:19
Đây là một trọng tâm hợp tác Việt - Lào trong năm 2023. Nội dung này được thống nhất tại Hội nghị SOM Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác Việt - Lào.
TIN LIÊN QUAN

Chiều 10/1/2023, Hội nghị cấp chuyên viên Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào đã diễn ra tại tại Vientian (Lào), dưới sự chủ trì của hai Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt - Lào, Lào - Việt Trần Quốc Phương và Viêng-xạ-vẳn Vi-lay-pon.

Toàn cảnh Hội nghị cấp chuyên viên Kỳ họp thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt - Lào  (Ảnh: Đức Trung)

Phát biểu tại Hội nghị, ông Viêng-xạ-vẳn Vi-lay-pon đã đánh giá cao tình hình thực hiện thỏa thuận về kế hoạch hợp tác Lào - Việt trong năm 2022.

Theo đó, các hợp tác về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, hợp tác kinh tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực… đã được đẩy mạnh.

Trong đó, riêng về hợp tác kinh tế, theo ông ông Viêng-xạ-vẳn Vi-lay-pon, các bộ ngành của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp quản lý, ổn định kinh tế vĩ mô.

Về đầu tư, thông tin cho biết, đầu tư của Việt Nam sang Lào đã có bước chuyển biến đáng ghi nhận. Riêng năm 2022, số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đạt trên 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong thời gian tới.

Ông Viêng-xạ-vẳn Vi-lay-pon cũng đã đánh giá cao việc trong thời gian qua hai bên đã tích cực trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ để cùng nhau giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng. 

Chẳng hạn, Dự án Thủy điện Xecaman 3, Sân bay Nọng-khảng, dự án khai thác, chế biến bauxit ở Sekong…

Trong khi đó, thương mại song phương có bước tăng trưởng vượt bậc. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 1,63 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2022…

Đánh giá cao việc thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, song ông Viêng-xạ-vẳn Vi-lay-pon cũng đã chỉ ra những điểm còn hạn chế. Chẳng hạn, một số thỏa thuận cấp cao triển khai chậm; việc kết nối hai nền kinh tế còn nhiều bất cập; một số dự án chậm triển khai; vốn đầu tư Việt Nam vào Lào vẫn tăng nhưng vẫn thấp, chưa tạo được đột phá; thương mại hai chiều chưa bền vững…

Nhất trí với những đánh giá rất kỹ và đầy đủ của phía Lào về tình hình hợp tác hai nước thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt - Lào đã nhấn mạnh phương hướng hợp tác giữa hai nước trong năm 2023.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt - Lào nhấn mạnh các trọng tâm hợp tác trong năm 2023  (Ảnh: Đức Trung)

“Hai bên cần tiếp tục tập trung thực hiện các chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, các Tuyên bố chung và Thỏa thuận cấp cao hai nước; tiếp tục triển khai Chiến lược hợp tác 10 năm 2021-2030 và Hiệp định hợp tác 5 năm 2021-2025”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Các trọng tâm hợp tác trong năm 2023 được Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh bao gồm tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ về chính trị, ngoại giao; tiếp tục hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện; …

Cùng với đó, là tiếp tục tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư - thương mại Việt Nam - Lào. Đây chính là một trong những trọng tâm hợp tác mà hai bên đã thống nhất từ lâu.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cần tăng cường tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Chính phủ Lào và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào.

“Chính phủ Lào cần tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam; ưu tiên cho đầu tư tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; ưu tiên giao các dự án dọc biên giới cho doanh nghiệp hai nước; nghiên cứu điều chỉnh các quy định về thời gian thực hiện trong đầu tư thủy điện, khai khoáng phù hợp với tình hình mới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2023 từ 10-15% so với năm 2022; hoàn tất đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào; Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào (mới); tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy triển khai kết nối giao thông; tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

Một số dự án trọng điểm trong trọng tâm hợp tác thời gian tới được đề cập, đó là Dự án hợp tác đầu tư phát triển bến cảng 1, 2, 3 của cảng Vũng Áng, xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientian; dự án đường sắt Vũng Áng-Vientian…

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ, chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng cũng đã được nhấn mạnh…

Đồng thời, tiếp tục ưu tiên cho các dự án sắp hoàn thành, trong đó có hai bệnh viện Hữu nghị ở Hủa-phăn và Xiêng-khoảng. Đây là hai dự án được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thành, bàn giao dứt điểm trong thời gian tới.

Trong kế hoạch hợp tác, hai ủy ban hợp tác hai nước sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra các dự án sử dụng vốn viện trợ nhằm đôn đốc việc thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng; điều chuyển nguồn vốn đã bố trí trong năm từ các dự án chậm tiến độ cho các dự án đạt, vượt tiến độ và có khả năng giải ngân.

“Đối với các chương trình, dự án bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hai bên thống nhất giãn thời gian thực hiện (bao gồm nghiệm thu bàn giao và thanh quyết toán công trình)”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Các trọng tâm hợp tác này đã được cả hai bên thống nhất tại Hội nghị cấp chuyên viên. Tại Hội nghị, hai bên cũng đã tập trung thảo luận về một số dự án mà hai bên quan tâm.

Sau Hội nghị, dựa trên các thảo luận ngày hôm nay, các nội dung của Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2023 và Biên bản Kỳ họp sẽ được hoàn thiện để xin ý kiến của hai Chủ tịch Ủy ban, tiến tới trình xin ý kiến chỉ đạo của hai Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào.

Theo kế hoạch, Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào sẽ được tổ chức tại Vientian vào ngày 12/1/2023, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ hai nước.

Tin liên quan
Tin khác