Những cơ hội và thách thức của vấn đề này đã được làm rõ hơn trong nội dung của chương trình Đối thoại số. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP.
Sự xuất hiện của các Quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng chính là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp còn non trẻ, là giải pháp cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần mạo hiểm. Tuy nhiên để kết hợp hai chủ thể này là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chủ đầu tư, hiện nay thì vẫn còn chưa đạt được hiệu quả tốt xuất phát từ các cơ chế chưa thực sự thông thoáng.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp khởi nghiệp phần lớn là quy mô nhỏ, thậm chí là rất nhỏ, do vậy vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính đều rất hạn chế, thiếu hoặc là không có tài sản đảm bảo, quyền sở hữu đối với tài sản lại có thể là không rõ ràng. Vì vậy các doanh nghiệp khởi nghiệp thường rất khó đáp ứng các điều kiện tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng, trong khi đó việc cấp hạn mức vốn từ các quỹ đầu tư thì còn rất hạn chế.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay mới chỉ có khoảng 20 Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên việc đầu tư bị dàn trải do chưa có các định hướng về đầu tư rõ ràng, dẫn tới việc không hiệu quả, không có tính tập trung cho các lĩnh vực cụ thể. Còn cần nhiều giải pháp tháo gỡ để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
Không chỉ mỗi Việt Nam mà cả những nước khác, đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy quan trọng của mỗi ngành kinh tế. Chính vì vậy hiện nay các nước đều tập trung vào phát triển, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trong đó tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, tạo môi trường khởi nghiệp, tài chính, cơ chế chính sách thông thoáng.
Tại Trung Quốc từ năm 2015, nước này nới lỏng yêu cầu đối với lập đăng kí kinh doanh, hỗ trợ tín dụng và xây dựng nhiều thành phố kiểu mẫu phục vụ cho khởi nghiệp sáng tạo; Mở cửa các sàn dịch vụ hỗ trợ về công nghệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tại Israel, Chính phủ đứng ra mở các quỹ đầu tư khởi nghiệp nhưng để cho các tư nhân, khối tư nhân sẽ giám sát và điều phối việc đầu tư. Trong trường hợp các quỹ đầu tư này có hiệu quả, khối tư nhân sẽ mua lại các quỹ này, còn nếu thua lỗ thì Nhà nước sẽ gành phần rủi ro. Thực tế cho thấy các quỹ đầu tư này không lớn nhưng lại kích thích khối tư nhân tăng cường đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều gấp nhiều lần so với đầu tư Nhà nước.
Chương trình Đối thoại số được phát sóng chính vào khoảng 21h30 thứ Sáu và phát lại khoảng 15h00 thứ Bảy hàng tuần trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.