Trong đó, “liều thuốc” lớn nhất, mạnh nhất, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả nhất chính là gói hỗ trợ với quy mô trên 350.000 tỷ đồng mà Quốc hội vừa thông qua.
Gói hỗ trợ với quy mô trên 350.000 tỷ đồng mà Quốc hội vừa thông qua là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. |
Để có nguồn lực này, Quốc hội cũng đã đồng ý tăng bội chi ngân sách nhà nước trong hai năm 2022 - 2023, bình quân 1 - 1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỷ đồng), cũng như huy động thêm các nguồn lực khác nhằm thực hiện hàng loạt chương trình, chính sách.
Trong số này, có việc miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; tăng chi cho đầu tư phát triển; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ với trái phiếu phát hành trong nước…
Cùng với đó, các chính sách tiền tệ cũng sẽ được điều hành đồng bộ, linh hoạt để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các biện pháp như phấn đấu giảm từ 0,5 - 1% lãi suất cho vay trong hai năm 2022 - 2023, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ... cũng sẽ được áp dụng.
Mục tiêu trước nhất khi áp dụng các chính sách, giải pháp này là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%...
Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đây cũng là lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức một phiên họp bất thường để thông qua một số chính sách quan trọng, nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Các chính sách đặc thù cũng đã được thông qua và ban hành. Không chỉ là gói chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ cho việc thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng có trong Chương trình.
Không chỉ thông qua cơ chế đặc thù cho các dự án trên, mà còn cả cơ chế đặc thù cho Thành phố Cần Thơ, trung tâm phát triển của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh…, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế pháp luật để nhanh chóng khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng ngay các nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Đây đều là những quyết sách quan trọng, có ý nghĩa không chỉ cho việc thực hiện các mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước trong ngắn hạn, để nền kinh tế Việt Nam không lỡ nhịp phục hồi của kinh tế toàn cầu, mà còn tạo nền tảng cho sự tăng tốc và phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế những năm tiếp theo, cũng như trong Chiến lược phát triển 10 năm 2021 - 2030.
Cùng với đó, như thường lệ, những ngày đầu năm, Chính phủ đã đồng thời ban hành hai nghị quyết quan trọng khác. Đó là Nghị quyết số 01/NQ-CP về các biện pháp điều hành kinh tế - xã hội, để làm sao hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó mục tiêu cao nhất là đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5%. Đó là Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Theo đó, một loạt nhiệm vụ đã được xác định, một loạt giải pháp đã được đưa ra.
Chính sách, giải pháp đã có, nhiệm vụ quan trọng bây giờ chính là làm sao triển khai quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP, cũng như triển khai hiệu quả và kịp thời gói hỗ trợ trên có giá trị 350.000 tỷ đồng.
Cộng hưởng hiệu lực, hiệu quả từ các gói chính sách này, cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, có thể tin tưởng rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi và sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.