Trong cuộc đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 hôm qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn đề xuất mức tăng là 16%, các hiệp hội doanh nghiệp lại muốn chỉ khoảng 6 - 7%. Đây là lý do 2 phiên họp không chốt được phương án trình Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Quan điểm của tôi là cẩn trọng và phân tích vấn đề này ở các góc độ để mang lại lợi ích tổng thể, chứ không đơn thuần từ cơ sở mức sống tối thiểu để mong muốn có được cuộc sống tốt hơn cho công nhân, hay là khả năng chi trả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Dựa trên nghiên cứu và phân tích của VCCI, với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay khoảng 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1-3%, một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9-10% là hài hoà. Nếu tăng quá mức này, sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục giữ quan điểm cẩn trọng khi đề xuất mức lương tối thiểu năm 2016 |
Cần phải xác định rõ, các kiến nghị của doanh nghiệp về lương tối thiểu đưa ra được dựa trên quy luật phát triển của kinh tế thị trường. Theo đó, tốc độ tăng lương cần bám sát tốc độ tăng năng suất lao động, cộng với tốc độ mất giá của đồng tiền. Nếu tốc độ tăng lương vượt quá xa so với tổng của hai biến số này, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và thất nghiệp sẽ gia tăng.
Sẽ không thể nói gì đến mức sống tối thiểu nếu người lao động mất việc làm. Cũng phải nói thẳng, câu chuyện người lao động không tìm được việc làm ở thành thị đã trở về nông thôn để làm nông không còn nữa, khi nông thôn cũng không còn là chốn dung thân cho họ.
Nhưng theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập hiện nay khiến 20% lao động không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy. Khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp đang trả mức lương từ 4,4 triệu đồng/tháng ở Hà Nội, khoảng 4,9 triệu đồng/tháng hoặc hơn ở TP.HCM. Như vậy, doanh nghiệp có khả năng chi trả.
Quyết định đối với đời sống người thợ là tiền lương trung bình chứ không phải là lương tối thiểu. Mức lương trên là mức lương trung bình. Nếu chúng ta coi khả năng chi trả mức lương trung bình của doanh nghiệp là mức lương tối thiểu, thì rất có thể doanh nghiệp buộc phải thu hẹp hệ số tiền lương. Khi đó, tác dụng kích thích tăng năng suất lao động của tiền lương sẽ không còn.
Quan trọng là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào mức tăng chi phí sản xuất. Tại các ngành sử dụng nhiều lao động, chi phí tiền lương là một phần đáng kể, thậm chí là phần mang tính quyết định, tạo nên sức cạnh tranh của hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp mà chi phí lao động chiếm trên 30% tổng chi phí, việc tăng lương thêm 16% sẽ khiến cho giá thành tăng thêm khoảng 5%. Với họ, đây chẳng khác gì một cú sốc… “phá giá đồng nhân dân tệ lần thứ hai”.
Quan điểm của chúng tôi là, lúc này, tạo việc làm là cấp bách. Bởi vậy, những người có trách nhiệm trong đàm phán tiền lương cần có cái nhìn duy lý, dựa trên các cơ sở khoa học, tuân theo các quy luật khách quan, hướng tới mục tiêu chung và dài hạn là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như tạo việc làm cho người lao động. Nhất định phải ngăn chặn tình trạng thất nghiệp đang gia tăng.
Vậy trách nhiệm của doanh nghiệp trong câu chuyện này là gì?
Mức sống của công nhân hiện nay còn thấp, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, bởi vậy các doanh nghiệp phải có trách nhiệm nhất định trong việc đưa mức tiền lương tối thiểu tiếp cận mức sống tối thiểu.
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm tạo thêm nhiều việc làm mới cho nền kinh tế, đặc biệt cho người lao động ở nông thôn. Đây đã trở thành vấn đề rất cấp bách và thậm chí là vấn đề cần quan tâm bậc nhất ở Việt Nam. Việc tăng lương tối thiểu ở mức quá cao sẽ không có lợi cho việc đạt được mục tiêu này.
Cũng phải đặt trong bối cảnh có tới 70% doanh nghiệp hoạt động không có lãi. Nếu mức tăng lương tối thiểu không hợp lý sẽ làm gia tăng tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp, buộc họ phải thu hẹp sản xuất, đẩy người lao động đang có việc làm ở thành thị trở lại nông thôn, làm tiếp tục gia tăng tình trạng thất nghiệp và gây bất ổn xã hội.
Tôi muốn nhắc tới quan điểm của Ngân hàng Thế giới về việc “Việt Nam tăng lương tối thiểu thì giảm tăng việc làm”. Tổ chức Lao động Quốc tế cũng đưa ra cảnh báo năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực (chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan).
Trong khi đó, các số liệu cho thấy, tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng vào năm 2005 lên mức 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015 (đối với vùng IV). Tổng mức tăng chung trong cả giai đoạn là 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm.
Trong khi đó, như đã nói ở trên, mức tăng năng suất lao động kể từ năm 2005 đến nay trung bình chỉ khoảng 3%/năm. Nếu cộng thêm mức độ trượt giá của tiền đồng trong giai đoạn 2005-2015 ở mức gần 10%/năm, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn.
Chắc chắn là các doanh nghiệp Việt Nam không thể chịu đựng được một mức tăng lương cao và kéo dài như vậy.