Dự án EHome Southgate gồm 7 block cao 12 tầng, cung cấp cho thị trường hơn 1.400 căn hộ dòng EHome. Ảnh minh họa |
Nhiều doanh nghiệp hướng đến thị trường Long An
Tập đoàn Nam Long là doanh nghiệp tiên phong phát triển phân khúc căn hộ tại Long An. Năm 2021, Nam Long giới thiệu ra thị trường Dự án EHome Southgate, diện tích 4,5 ha, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint.
Dự án EHome Southgate gồm 7 block cao 12 tầng, cung cấp cho thị trường hơn 1.400 căn hộ dòng EHome với giá bình quân chỉ 1 tỷ đồng/căn. Ngay khi ra mắt, toàn bộ 380 căn hộ mở bán giai đoạn I nhanh chóng có chủ. Dự án đã hoàn thiện cất nóc giai đoạn I, dự kiến bàn giao nhà cuối năm nay. Chủ đầu tư cũng có kế hoạch mở bán giai đoạn mới vào tháng 8/2022 sau khi ghi nhận nhu cầu cao từ thị trường.
Mới đây, Tập đoàn Thắng Lợi và các đối tác công bố kế hoạch cung cấp cho thị trường Long An khoảng 10.000 căn hộ (diện tích 40 - 60 m2) với giá khoảng 1 tỷ đồng/căn. Theo kế hoạch, các dự án này sẽ được triển khai vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Đại diện Tập đoàn Thắng Lợi cho biết, trong 5 năm tới, Công ty sẽ tập trung phát triển loại hình căn hộ vừa túi tiền tại các vùng kinh tế trọng điểm, vệ tinh của TP.HCM là Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… Trong đó, địa bàn được triển khai đầu tiên là Long An.
Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đang triển khai kế hoạch phát triển 150.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền tại các địa phương.
Ngoài ra, các “ông lớn” như Vingroup, Novaland cũng có chủ trương triển khai dự án nhà ở xã hội tại phía Nam, trọng tâm là TP.HCM và các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai với quy mô gần 500.000 căn nhà chung cư có giá khoảng 1 tỷ đồng/căn.
Giải “bài toán” an cư cho người lao động
So với TP.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai, nguồn cung căn hộ tại Long An còn hạn chế, nhưng nếu loạt dự án xây dựng nhà chung cư giá rẻ được các chủ đầu tư triển khai theo đúng kế hoạch, thì sẽ giúp giải “bài toán” nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng thời chia sẻ một phần áp lực về nhà ở cho thị trường TP.HCM.
Theo thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 250 dự án (gần 7.000 ha) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, tập trung nhiều ở các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa và TP. Tân An. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu tập trung vào loại hình nhà ở liền kề, biệt thự thấp tầng. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân tại các khu, cụm công nghiệp rất lớn, song lại chưa có nhiều sản phẩm trong phân khúc này.
Cụ thể, Long An được quy hoạch 31 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp. Trong đó, có 16 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp đã hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khoảng 91,9%, lượng công nhân gần 200.000 người. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Long An tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 4 khu công nghiệp, gồm Tandoland (250 ha), Prodezi (400 ha), Tân Tập (654 ha), Lộc Giang (466 ha).
Theo ước tính, vẫn còn khoảng 30%, tương ứng gần 50.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Long An chưa có chỗ ở ổn định.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở (CBRE Việt Nam) đánh giá, trong số các thị trường lân cận TP.HCM, thì Long An là địa phương duy nhất ở thời điểm này có thể phát triển nguồn cung căn hộ giá “mềm” (khoảng 1 tỷ đồng/căn).
Bên cạnh đó, chuyên gia của CBRE cũng nhấn mạnh, trong khu vực lân cận TP.HCM, thì Đồng Nai, Bình Dương, Long An là các địa phương có tốc độ phát triển hạ tầng nhanh, tạo sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư bất động sản. Đây là những khu vực tiếp tục bổ sung nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới. Tuy vậy, tính bền vững của thị trường phụ thuộc vào nhu cầu ở thực.