| ||
Kinh doanh xăng dầu, gas... phải tăng đóng phí phòng cháy, chữa cháy |
Giải trình về dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang khẳng định, dự thảo luật Luật đã chỉnh lý cụ thể hơn quy định về nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy là từ phí kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cháy, nổ cao.
Lý do là hiện nay có một số ngành nghề kinh doanh, như xăng dầu, điện lực, hóa chất... ngoài việc gây nguy cơ mất an toàn về PCCC cho chính doanh nghiệp mình còn gây mất an toàn về PCCC cho xã hội và Nhà nước đã phải hỗ trợ đầu tư kinh phí để bảo đảm an toàn PCCC nhiều hơn các ngành nghề khác.
Do đó, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cần phải quy định các ngành nghề kinh doanh nêu trên có trách nhiệm đóng góp kinh phí phục vụ đầu tư cho công tác PCCC.
Về nguồn ngân sách đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy của lực lượng dân phòng, dự thảo Luật đã chỉnh lý lại theo hướng trong ngân sách hàng năm của xã, phường, thị trấn có danh mục chi cho công tác PCCC. Hiện nay, tại Ủy ban nhân dân cấp xã không có căn cứ cụ thể để duyệt chi kinh phí hàng năm cho hoạt động của lực lượng dân phòng.
Dự thảo Luật cũng quy định, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Thực tế 10 năm triển khai thực hiện Luật PCCC cho thấy, có tới trên 80% số vụ cháy có liên quan đến việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC. Do vậy, dự thảo Luật sửa đổi để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Về quy định bồi thường, do trong các vụ cháy, nổ việc xác định nguyên nhân cháy làm cơ sở pháp lý cho việc bồi thường lại rất phức tạp. Do đó, Luật sẽ không quy định mà sẽ cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật.
Hà Tâm