Thời sự
Tăng quyền xử phạt hành chính cho cơ sở
Mạnh Bôn - 15/07/2013 06:06
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường cho biết, các nghị định hướng dẫn Luật Xử phạt vi phạm hành chính sắp được Chính phủ ban hành đều tăng thẩm quyền xử phạt cho cơ sở.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

Tiêu cực trong xử phạt vi phạm hành chính xảy ra khá phổ biến. Chính vì vậy, với việc phân cấp xử phạt xuống tận cá nhân người thi hành công vụ, thì tiêu cực trong lĩnh vực này khó có thể thuyên giảm?

Phân cấp trong quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực là xu hướng tất yếu.

Việc phân cấp thẩm quyền xử phạt theo hướng tăng thẩm quyền cho cơ sở nhằm góp phần nâng cao tính kịp thời và hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, giảm tình trạng dồn việc xử phạt lên cấp trên.

Cũng cần lưu ý rằng, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có hành vi sách nhiễu, đòi hỏi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng tính chất, mức độ vi phạm, không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm 12 hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013, nhưng đến thời điểm này, Chính phủ chưa ban hành được văn bản hướng dẫn nào. Vì sao vậy, thưa ông?

Lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính hiện có tới gần 130 nghị định hướng dẫn, dẫn tới tình trạng cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn xuất hiện không ít tiêu cực, tham nhũng khi thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Để xử lý vấn đề này, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thu gọn số lượng văn bản hướng dẫn Luật Xử phạt vi phạm hành chính ở cấp nghị định xuống chỉ còn 56 văn bản.

Hơn nữa, vi phạm hành chính xảy ra ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, cũng như quan hệ kinh tế, nên rất phức tạp. Chính vì vậy, việc xây dựng các nghị định hướng dẫn phải hết sức cẩn trọng và phải dự báo trước các vi phạm hành chính sẽ xuất hiện trong tương lai.

Đó là những lý do khiến việc ban hành các văn bản hướng dẫn có phần hơi chậm. Tuy nhiên, từ nay đến hết tháng 9/2013, về cơ bản, các nghị định hướng dẫn Luật Xử phạt vi phạm hành chính sẽ được ban hành đầy đủ.

Kể từ ngày 1/7/2013, mức xử phạt tăng từ 10.000 - 500 triệu đồng lên 50.000 - 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 100.000 - 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Ông có nghĩ rằng, việc xử phạt quá cao sẽ dẫn tới hành vi tiêu cực giữa người có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân vi phạm?

Mức xử phạt cũ quá thấp là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm hành chính ở nhiều lĩnh vực không giảm. Việc nâng mức xử phạt, đặc biệt là xử phạt đối với 10 nhóm lĩnh vực (kinh doanh bất động sản; vật liệu xây dựng; đấu thầu; đầu tư; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước…) lên mức nhiều lần cũng nhằm mục đích răn đe. Còn tình trạng tiêu cực, dù mức phạt cao hay thấp, nếu không có cơ chế kiểm tra, giám sát thì vẫn xảy ra.

Thưa ông, đối với nhiều lĩnh vực, mức xử phạt tối đa 1 - 2 tỷ đồng khó có thể răn đe, bởi tổ chức, cá nhân vi phạm có thể thu lợi bất chính 5 - 7 tỷ đồng, thậm chí là hàng chục tỷ đồng?

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực có thể thu lợi bất chính rất cao do vi phạm như thuế; đo lường; sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chứng khoán; hạn chế cạnh tranh… sẽ được thực hiện theo quy định tại các luật tương ứng, cao hơn rất nhiều so với Luật Xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động; hoặc bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, khi xem xét từng vi phạm cụ thể, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Tin liên quan
Tin khác