Sáng 28/6, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố kết quả nghiên cứu tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) tới xã hội và phúc lợi gia đình.
Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án sửa đổi luật thuế VAT, trong đó phương án 1 tăng từ 5% lên 6% và từ 10% tăng lên 12%. Phương án 2 tăng các mặt hàng có thuế suất 5% lên 10%. Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.
Các chuyên gia, nhà khoa học cho biết, kết quả nghiên cứu tăng thuế VAT sẽ tác động lên người dân, nhất là hộ nghèo |
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Viện VEPR, tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân số, đặc biệt các nhóm nghèo.
TS. Nguyễn Việt Cường, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, tăng VAT lên tất nhiên ảnh hưởng là các cá nhân, và phương án tăng 1,2 lần làm chi tiêu giảm mạnh hơn là phương án điều chỉnh thuế VAT cho nhóm mặt hàng từ 5% lên 10%.
Cụ thể, với phương án tăng thuế VAT từ 5% lên 6%, tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm phần trăm, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên.
Phương án tăng thuế VAT lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn một chút. Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Tác động tăng thuế VAT sẽ rõ rệt đối với các hộ nghèo và cận nghèo, bởi họ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất. Về phân loại, nhóm yếu thế khi VAT bị tăng là trẻ em, người già, lao động nữ, người làm việc có kỹ năng thấp... sẽ ảnh hưởng nhiều hơn.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đánh giá, thuế VAT chủ yếu đánh thuế tiêu dùng, càng tiêu dùng nhiều thì càng bị đánh thuế nhiều hơn. Việc tăng thuế VAT nhìn chung đều ảnh hưởng đến các hộ gia đình, người dân, vì giá cả tăng theo. Sự tổn thương sẽ có mức độ khác nhau giữa các nhóm. Nếu so về giá trị tuyệt đối, người thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng ít hơn nếu tăng thuế VAT, nhưng so về giá trị tương đối tương đối (tỷ lệ chi tiêu trên tổng thu nhập) thì sẽ cao hơn người thu nhập cao.
Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, các đề xuất tăng thuế gần đây luôn bị công luận phản đối rất mạnh. Do đó, trước khi tăng thuế, Chính phủ phải thuyết phục được người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu chính phủ. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn và theo kịp với chuẩn mực quốc tế, trước khi đưa ra các đề xuất tăng thuế.
“Nếu bất đắc dĩ phải tăng thì cần giải pháp khác nữa tính tới các nguồn khác như thuế tài sản người giàu, phân tán nguồn thu ra để tránh tập trung vào đối tượng phổ thông, yếu thế”, TS. Nguyễn Đức Thành đề xuất.