Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ làm giảm chi phí logistics. Trong ảnh: Xếp hàng tại cảng Bà Rịa - Vũng Tàu |
Cao tốc thông xe, chi phí logistics giảm
Ông Nguyễn Văn Điệp, Phó giám đốc Công ty VCAC cho biết, sau khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe, thời gian chở hàng TP.HCM tới Bình Thuận rút xuống còn một nửa so với trước đây đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí rất lớn.
Tính đến nay, tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành được 950 km, dự kiến đến năm 2025 hoặc 2026, toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ nối thông từ Lạng Sơn tới Cà Mau. Số liệu thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho thấy, nhờ hạ tầng đang được đầu tư hoàn chỉnh, nên chi phí logistics đã giảm đáng kể. Năm 2022, chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% GDP, mức này đã giảm đáng kể so với năm 2018 (khoảng 21% GDP). Mặc dù chi phí logistics vẫn còn cao so với mức bình quân chung của thế giới (ở mức 10,6%), nhưng cũng đã có những thay đổi tích cực trong thời gian qua.
Song song với đầu tư hạ tầng đường bộ, Bộ GTVT đang đẩy mạnh đầu tư đường sắt, cải tạo các ga đầu mối để xuất khẩu hàng hóa trực tiếp bằng đường sắt. Mới đây nhất (ngày 27/9), ngành đường sắt đã khai trương đoàn tàu chở hàng hóa từ ga Sóng Thần, tỉnh Bình Dương chạy thẳng đi Trung Quốc. Ngay sau khi khai trương tuyến vận tải này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương.
Ông Nguyễn Quang Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ hàng hóa Phương Nam cho biết, trước đây, doanh nghiệp chủ yếu vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường biển, nay có thêm phương thức vận tải đường sắt trực tiếp đi Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn. Theo ông, vận tải bằng đường sắt có nhiều ưu điểm như lịch trình đúng giờ, hàng hóa không bị ách tắc tại cửa khẩu như vận chuyển bằng đường bộ. Đặc biệt, đối với hàng hóa là nông sản, có thời gian bảo quản ngắn, thì việc sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là phương án tối ưu, giúp tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Chặng nước rút năm 2025
Theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Để kéo giảm chi phí logistics, Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ hoàn thành 3.000 km cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc. Dự kiến đến năm 2025 hoặc 2026 toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ nối thông từ Lạng Sơn tới Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố. Tuyến cao tốc chạy dọc dải đất hình chứ S không chỉ góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1A, mà còn tăng tính kết nối, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương. Cùng thời gian này, các tuyến cao tốc trục ngang như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu; Tuyên Quang - Hà Giang; Hòa Bình - Mộc Châu; Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội sẽ hoàn thành sau khi khởi công đồng loạt vào giữa năm 2023.
Trả lời trước Quốc hội vào tháng 6/2023 về các giải pháp giảm chi phí logistics, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như: giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…; phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng.
Góp ý về việc đầu tư hạ tầng, giảm chi phí logistics, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho rằng, cần ưu tiên đầu tư đường sắt Bắc - Nam, khơi thông hệ thống vận tải thủy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển vận tải đường biển. Bởi, xét về tổng thể vận tải khối lượng lớn như đường sắt, đường biển vừa an toàn, vừa rẻ mang lại hiệu quả hơn so với đường bộ.