Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng của Covid-19. |
Như thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra vào đầu tuần này, mới có khoảng 55.500 tỷ đồng từ Chương trình được giải ngân. Trong đó có trên 10.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho khoảng 4,54 triệu người lao động cùng 13,5 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%. Ngoài ra, còn các khoản tiền khác như tiền hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng; gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất và chi phí cơ hội thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất…
Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân mới đạt 16% là điều đáng quan tâm. Nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã được chỉ ra...
Đó là chuyện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chưa như kỳ vọng, đến việc cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn có sự lệch pha giữa nhu cầu và kế hoạch cho vay trong các chương trình tín dụng.
Việc cho vay hỗ trợ lãi suất 2% cũng còn hạn chế do gặp khó khăn khi xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất; do các ngân hàng thương mại còn ngần ngại bởi một số chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây chưa được quyết toán chi phí. Và còn do cả khách hàng có tâm lý e ngại công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…
Thực tế cho thấy, sẽ không hề đơn giản khi triển khai một chương trình phục hồi với quy mô lớn như vậy. Rất cần thời gian để các bộ, ngành xây dựng chính sách và hướng dẫn thực hiện. Rất cần thời gian để nền kinh tế hấp thụ một ngân khoản lớn. Đặc biệt, với khoản vốn dành cho đầu tư phát triển, thì lại càng không đơn giản. Phải rà soát kỹ, lựa chọn, xây dựng danh mục dự án, phải mất thời gian để chuẩn bị dự án, rồi mới có thể giải ngân, đưa dự án vào triển khai…
Tới nay, đã có 94 nhiệm vụ, dự án, với tổng số vốn trên 147.000 tỷ đồng hoàn thiện thủ tục đầu tư để Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn. Mặc dù vậy, vẫn còn 169 dự án nữa cần hoàn tất thủ tục.
Cũng cần nhắc lại rằng, khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra trong hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển. Dù giải ngân cho đến giờ này chưa như kỳ vọng, song những hiệu ứng từ Chương trình tới nền kinh tế là tích cực. Cũng một phần nhờ yếu tố này, mà tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 6,42% và dự kiến cả năm có thể đạt 7%, cao hơn mục tiêu đề ra.
Rõ ràng, nếu tiến độ triển khai Chương trình được đẩy nhanh hơn, thì kinh tế sẽ tăng tốc phục hồi tốt hơn. Bởi thế, điều cần làm lúc này chính là thực thi nhanh, hiệu quả hơn nữa Chương trình, đặc biệt là gói ngân sách dành cho các dự án đầu tư phát triển. Nếu giải ngân được khoản vốn này, cỗ xe tăng trưởng của nền kinh tế sẽ được đẩy nhanh hơn không chỉ trong năm nay, mà cả năm 2023. Hơn thế, việc triển khai các chương trình, dự án này sẽ tạo nền tảng để nền kinh tế tăng tốc và phát triển trong những năm sau.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là người thấu hiểu hơn ai hết điều này. Chính vì vậy, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, ông đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương phê duyệt quyết định đầu tư dự án ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn. Thậm chí, cần chủ động cả về nhân công, mặt bằng, mỏ nguyên vật liệu… để sẵn sàng thực hiện và giải ngân. Với danh mục dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thì các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thành, phê duyệt chủ trương đầu tư đúng thời hạn, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đây là những việc cần làm ngay để nền kinh tế sớm tăng tốc phục hồi.