Đầu tư
Chống suy giảm đà phục hồi kinh tế
Hà Nguyễn - 08/08/2022 08:18
Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, nên nhiệm vụ hiện nay là phải làm sao chống suy giảm đà phục hồi kinh tế.
Sản xuất đã phục hồi, nhưng còn khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp vẫn e dè với việc mở rộng đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

“Chướng ngại vật” ngày càng nhiều

Xu hướng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Nhưng các “chướng ngại vật” cho quá trình phục hồi đó đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn, nhất là khi kinh tế thế giới phục hồi ngày càng chậm lại, khả năng xảy ra suy thoái ngắn hạn đang gia tăng.

Với 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp, kinh tế Mỹ đang đối diện với rủi ro suy thoái nhẹ trong tương lai. Kinh tế Trung Quốc thì lao đao vì tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero Covid. Còn kinh tế châu Âu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine...

Không chỉ là đà tăng trưởng suy giảm, mà quan trọng hơn, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với thách thức rất lớn là lạm phát. Thậm chí, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, lạm phát tăng cao đang trở thành “thách thức vĩ mô hàng đầu” đối với kinh tế thế giới và nhiều khả năng trở thành “vấn đề dai dẳng” trong trung hạn.

Cả hai yếu tố này đang tác động rất lớn tới kinh tế Việt Nam, vốn có độ mở rất cao và khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế.

“Xu hướng tiêu dùng của thế giới sẽ giảm và ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra, thì tình hình đơn đặt hàng quý III gối sang quý IV đang giảm”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên nói.

Thực tế, tháng 7/2022, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước đó.

“Hoạt động sản xuất - kinh doanh tuy đã phục hồi, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thừa nhận và cho biết, các áp lực tăng giá ngày càng gia tăng từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

“Đã xuất hiện tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn do áp lực giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, với tỷ lệ giải ngân 7 tháng qua mới đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 36,71%)… Giải ngân giảm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.

Không chỉ vậy, chuyên gia Cấn Văn Lực đã chỉ ra tới “4 tăng, 1 giảm” và các yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế. “4 tăng là giá cả tăng, rủi ro tài chính tăng, bất định tăng, rủi ro an ninh năng lượng và lương thực tăng. Còn 1 giảm là giảm đà phục hồi”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.

Chặn suy giảm đà phục hồi

Khi nguy cơ đà phục hồi kinh tế bị chậm lại, thì nhiệm vụ đặt ra là phải làm sao chống được sự suy giảm đà phục hồi kinh tế. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 mới đây, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh điều này.

“Trọng tâm điều hành trong những tháng còn lại của năm phải là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Trọng tâm điều hành trong những tháng còn lại của năm phải là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một đề án về nội dung này cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì một cuộc thảo luận với các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về đề án này. Ý kiến của các chuyên gia đều chỉ ra rằng, hai chính sách mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm chính trong thời gian tới là chính sách tài khóa và tiền tệ.

“Chính sách tài khóa thì nên nới lỏng, nhất là với gói phục hồi 340.000 tỷ đồng. Cần đẩy nhanh hơn, nhắm đúng vào các mục tiêu phù hợp và tiết kiệm các khoản chi không cần thiết. Trong khi đó, chính sách tiền tệ cần thực hiện linh hoạt và cần cảnh giác với rủi ro lạm phát gia tăng”, bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh rằng, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng, nhưng không chỉ là vấn đề lạm phát, mà còn phải quan tâm các vấn đề khác như nợ công, sự lành mạnh của thị trường tài chính… “Áp lực trong 3-6 tháng tới là rất căng. Trong thời gian này, chính sách tài khóa phải là điểm tựa cho sự phục hồi của nền kinh tế. Còn chính sách tiền tệ thì nên thực hiện linh hoạt và làm sao hướng dòng tiền dịch chuyển vào các lĩnh vực như doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu dựa theo chuỗi…”, ông Võ Trí Thành khuyến nghị.

Một thách thức rất lớn của Việt Nam hiện nay, theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), là phải bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát. “Điều này đòi hỏi Việt Nam phải hết sức linh hoạt và nhanh nhạy khi điều phối chính sách tài chính và tiền tệ”, bà Dorsati Madani nói.

Tuy nhiên, đây không chỉ là bài toán khó đối với riêng Việt Nam, mà còn là với nhiều nền kinh tế trên toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, nhiều nền kinh tế đã phải điều chỉnh chính sách và điều này chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

Mặc dù vậy, khá lạc quan, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Sản xuất và kinh doanh đang có sự phục hồi khá ổn định. Vì vậy, tuy vẫn còn khó khăn như phải áp lực lạm phát, chi phí sản xuất gia tăng, nguy cơ dịch bệnh còn hiện hữu, nhưng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn khá khả quan, do nền tăng trưởng quý III và quý IV/2021 ở mức thấp. Hơn nữa, việc triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 và cả cho các năm sau”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mục tiêu điều hành trong thời gian tới vẫn tiếp tục là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7%. Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Để thực hiện mục tiêu đó, sẽ phải tiếp tục quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh.

Tin liên quan
Tin khác