Đầu tư
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công: Không thể thực hiện khối lượng lớn công việc bằng tư duy cũ
Thanh Huyền - 06/08/2022 08:48
Giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 7/2022 mới đạt 34,47%. Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tình hình thay đổi phải có biện pháp thay đổi, không thể làm bằng tư duy cũ.
Công trường Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Đức Thanh

“Rất sốt ruột” về tiến độ giải ngân

“Rất sốt ruột” là tâm trạng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần khi chủ trì thảo luận về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm 3/8.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/7/2022 đạt hơn 186.848 tỷ đồng, bằng 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có một cơ quan trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%, còn 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Đặc biệt, có 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn là 0%.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, văn bản; tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành các công điện, văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân…

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các ý kiến chỉ đạo; thành lập các tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 do lãnh đạo bộ và lãnh đạo UBND cấp tỉnh làm tổ trưởng; chỉ đạo đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu, sớm khởi công dự án; chủ động rà soát điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với nguồn vốn ngân sách trung ương không có khả năng giải ngân trong năm 2022.

Nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, là do theo quy định, từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thi công trải qua nhiều giai đoạn và quy trình, trình tự, thủ tục của mỗi giai đoạn lại chịu sự điều chỉnh của nhiều luật.

“Mỗi giai đoạn có những vướng mắc khác nhau, trong khi đó, việc thực hiện phải tuần tự theo quy định của pháp luật, tuân thủ thời gian, không được thực hiện trước các hoạt động, nên dù có vướng mắc nhỏ thì cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ tổng thể của dự án”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Qua làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, có 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, phân thành 3 nhóm chính, gồm nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm nội dung liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; nhóm khó khăn mang tính đặc thù của năm 2022.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương và ý kiến của lãnh đạo các địa phương, năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhưng thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021. Do là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án, nên thông thường, cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào cuối năm.

Ngoài ra, giá nguyên, nhiên, vật liệu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng... Một số nơi chưa cập nhật kịp thời, sát giá thị trường, chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi lựa chọn thực hiện ký hợp đồng trọn gói, nên khó khăn khi xảy ra biến động giá, thì nhà thầu sẽ phải gánh chịu, dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp giá thị trường.

Mức vốn đầu tư công phân bổ năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương... nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

“Phải ngồi lại với nhau, phải xắn tay vào”

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm 2022 mặc dù chưa bằng cùng kỳ năm trước, nhưng cũng phản ánh xu hướng, đặc thù giải ngân vốn đầu tư công: chậm trong những tháng đầu năm, tăng tốc vào cuối năm (tháng 7 năm 2021 đạt 36,71%, cuối năm 2021 đạt 95%).

Là một trong những bộ, ngành có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khá tốt, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, bộ này đã thực hiện giải ngân được 19.343 tỷ đồng, chiếm 45,5% vốn đã phân bổ.

“Chúng tôi cam kết với Thủ tướng sẽ giải ngân được 100% vốn trong năm nay, lý do là đến tháng 12 sẽ khởi công 12 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025”, ông Thể khẳng định.

Để đạt kết quả này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, mỗi dự án đều được xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân trong 1 năm, phân công cho các thứ trưởng và có sự kiểm tra, rà soát tiến độ hàng tuần, hàng tháng.

“Bên cạnh đó, tư vấn cực kỳ quan trọng. Nếu có tư vấn tốt thì sẽ không có phát sinh, điều chỉnh trong quá trình làm. Chúng tôi quyết tâm chọn tư vấn thật tốt để không bị phát sinh”, ông Thể nói.

Một giải pháp nữa được ông Thể nêu lên là sự cương quyết trong quá trình thực hiện, như “không thay thế ban quản lý dự án, nhưng kiên quyết điều chuyển cán bộ, kiên quyết với nhà thầu”; “phải đi thực tế, phải đi trực tiếp công trường thì mới tháo gỡ vướng mắc”.

Góp ý giải pháp từ kinh nghiệm thực tiễn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho rằng, cần tập trung vào các dự án trọng điểm để tạo không gian phát triển trong giai đoạn tiếp theo, thay vì đầu tư dàn trải. “Nhiệm kỳ này giảm 8 lần so với nhiệm kỳ trước, trong đó Quảng Ninh tập trung vào 10 dự án trọng điểm”, ông Văn nói.

Cũng là một trong những địa phương có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50% sau 7 tháng, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cấp ủy phải tham gia theo dõi thường xuyên, nhưng phải cá thể hóa trách nhiệm, không đùn đẩy cho ai hết, “chịu trách nhiệm trước Thủ tướng là Chủ tịch UBND, chứ không phải Ban Cán sự đảng”. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư phải làm sớm.

Lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp cũng khẳng định quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội mới đạt 26% - thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, nhưng Hà Nội phấn đấu cuối năm sẽ đạt mức bằng hoặc trên mức bình quân chung cả nước. Sắp tới, Hà Nội sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để gỡ vướng ngay cho Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Nêu một số giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 trong những tháng còn lại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mức vốn đầu tư công phân bổ năm nay rất lớn, cao hơn gấp đôi năm 2016, nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Thủ tướng cho rằng, tình hình thay đổi thì phải có biện pháp thay đổi, càng khó khăn, phức tạp, càng phải bình tĩnh, phát huy trí tuệ tập thể, “phải ngồi lại với nhau, phải xắn tay vào”.

Lưu ý một số nhiệm vụ giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

“Các bộ, ngành, địa phương tự rà soát điều chỉnh danh mục, công tác chuẩn bị đầu tư, cái gì chưa được, cái gì cần điều chỉnh thì báo cáo, nhưng phải đảm bảo chính xác, tuân thủ pháp luật, tránh tham nhũng, tiêu cực”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó, các bộ, ngành cần chủ động rà soát lại quy định thuộc quản lý của ngành mình, những vấn đề thuộc thẩm quyền có thể điều chỉnh trong thông tư thì cần chủ động sửa, vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đề xuất sớm để sửa, các vấn đề cần sửa luật thì tập hợp lại và cập nhật vào các luật đang sửa như Luật Đất đai.

Nhấn mạnh tinh thần không thể làm khối lượng việc lớn bằng tư duy cũ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về vấn đề này trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời tháng sau, Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát công tác này.

Tình hình giải ngân các dự án quan trọng quốc gia

- Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng, tổng lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2021 là 22.855,035 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 15/7/2022, Dự án đã giải ngân 15.776,589 tỷ đồng, đạt 69,03% kế hoạch đã giao. Số vốn còn lại chưa giải ngân là khá lớn (7.708.446 tỷ đồng), nhưng chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/12/2022, theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội.

- Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến hết ngày 31/7/2022, Dự án giải ngân được 7.200 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2022 được giao.

- Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025: Bộ Giao thông - Vận tải đã quyết định phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần; Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao 257 tỷ đồng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ước giải ngân đến hết ngày 31/7/2022 là 185 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch.
Tin liên quan
Tin khác