Đầu tư
Nửa đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 27,86% kế hoạch
Hà Nguyễn - 04/07/2022 09:55
Mức giải ngân này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Vẫn còn 39/51 bộ ngành và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.301,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 328,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,2% tổng vốn và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 739,3 nghìn tỷ đồng, bằng 56,8% và tăng 9,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 233,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18% và tăng 8,9%.

Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trong 6 tháng mới ước đạt 151.046,65 tỷ đồng, bằng 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức 29,02% của cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ giải ngân 6 tháng các năm 2016-2022 thường đạt khoảng 29-33%

Nếu không tính 24.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư của 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ giao vào cuối tháng 5/2022, thì ước tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt 29,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Tuy vậy, đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hết 6 tháng, vẫn còn 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Trong đó, có 25 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, đặc biệt có 4 cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn (giải ngân 0%). Đó là Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Hội Nhà văn Việt Nam.

Các đơn vị này, bao gồm cả các bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp đã bị Chính phủ phê bình trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2022, sau đó, bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai trên cổng thông tin về đầu tư công.

Ngược lại, 6 tháng, có 3 cơ quan trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Trong đó, có một số bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%), Phú Thọ (59,52%), Ninh Bình (55,95%), Quảng Ninh (53,27%)…

Liên quan đến tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực tế giải ngân trong các năm 2016-2022 cho thấy, giải ngân 6 tháng đầu năm thường đạt khoảng 29-33% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, thấp nhất là năm 2021, đạt 29,02% (133,89 nghìn tỷ đồng); cao nhất là năm 2018, đạt 33,85% (130 nghìn tỷ đồng).

“Những tháng đầu năm giải ngân thường thấp và có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh nguyên nhân do tâm lý của chủ đầu tư, ban quan lý dự ánnhà thầu ngại giải ngân nhiều lần, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính đặc thù của đầu tư công.

Cụ thể, chi đầu tư đòi hỏi phải có quá trình thực hiện, tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới thực hiện các thủ tục giải ngân tại kho bạc, đặc biệt là dự án mua sắm trang thiết bị phải hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán.

Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương, khó khăn lớn nhất đối với các dự án đầu tư công hiện nay là biến động của giá nguyên nhiên vật liệu quá lớn và chưa có cơ chế xử lý đối với hợp đồng trọn gói.

Việc tuyển dụng lao động khó khăn, khan hiếm nhân công dẫn tới đơn giá nhân công tăng để cạnh tranh thu hút nhân lực cũng là một trong những khó khăn của giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay.

Tin liên quan
Tin khác