Thời sự
Tăng tốc phục hồi kinh tế
Nguyễn Lê - 23/05/2022 07:59
Nền kinh tế cần tăng tốc mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay, và quyết sách từ Kỳ họp thứ ba khai mạc sáng nay (23/5) của Quốc hội sẽ thúc đẩy quá trình này.
Quốc hội khóa XV sẽ đặt lên bàn nghị sự những vấn đề cấp bách tại Kỳ họp thứ ba. Trong ảnh: Một phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa XV

Kinh tế phục hồi tích cực

Như thường lệ, ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ nghe lãnh đạo Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo đánh giá của Chính phủ, những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực. Cùng với việc triển khai các chính sách của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình Phục hồi), hoạt động sản xuất, kinh doanh dự báo có nhiều khởi sắc, tạo đà đẩy nhanh tăng trưởng cho cả năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khái quát, 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tình hình đăng ký kinh doanh rất tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4/2022 lần đầu tiên vượt mốc 15.000 doanh nghiệp.

Về thực hiện dự toán NSNN, trong báo cáo thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng thu NSNN thực hiện 4 tháng ước đạt  657.400 tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 530.400 tỷ đồng, bằng 45,1% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021. Có 10/12 khoản thu nội địa đạt tiến độ khá (trên 34% dự toán). Điều này, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, phản ánh sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một điểm sáng đáng chú ý là hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. Luỹ kế 4 tháng, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có thuế đạt khoảng 49,3 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng chủ yếu đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng mạnh là dầu thô xuất khẩu, dầu thô nhập khẩu, xăng dầu nhập khẩu và các mặt hàng nguyên liệu dệt, may, da giày, điện thoại, linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử nhập khẩu...

Đây là những tín hiệu khả quan cho khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, khả năng hoàn thành và vượt dự toán 2022 là khả thi, theo nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Ghi nhận kết quả trên, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thấp. Kế hoạch thu bảo đảm cân đối ngân sách còn nhiều thách thức. Tín dụng, nợ xấu, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro. Sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất chậm...

Những vấn đề này đều đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh trong các báo cáo thẩm tra sơ bộ. Nhiều ý kiến của đại biểu, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm, để kinh tế có thể phục hồi ngay trong năm nay.

Lo tiêu tiền tiết kiệm, hiệu quả

Từ nay đến cuối năm, một trong những giải pháp rất quan trọng được Chính phủ báo cáo Quốc hội là tổ chức điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Chính phủ xác định dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh... phát sinh, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng là ưu tiên trong điều hành của cơ quan hành pháp.

Đây cũng là vấn đề được các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm. Bởi trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, chậm phân bổ vốn, giải ngân đầu tư công chậm đương nhiên sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế, cũng là một dạng lãng phí nguồn lực của đất nước.

Sốt ruột nhất vẫn là 347.000 tỷ đồng chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi, được thông qua tại kỳ họp bất thường (tháng 1/2022), chỉ được giải ngân trong hai năm 2022 - 2023. Nhưng đến nay, qua 5 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế. Cụ thể là chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình Phục hồi, việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chưa được triển khai như mục tiêu đặt ra. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai.

“Nếu đối chiếu với quy định về tiến độ giải ngân, thời hạn hoàn thành dự án quy định trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, thì khó có thể hoàn thành”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách khẳng định trong Báo cáo Thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2022 vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Liên quan vấn đề này, giải trình trong phiên họp tháng 5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói, nguyên nhân của việc chậm trễ nói trên là phải chờ phân bổ 14.000 tỷ đồng của các dự án ở các địa phương cho chương trình y tế dự phòng và y tế cơ sở. Nhưng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nêu rõ, sẽ không chờ thêm nữa, mà sẽ báo cáo sớm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những chính sách khác tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Phó thủ tướng cho biết cơ bản là đã xong.

Vấn đề nữa cũng khiến Quốc hội chưa thể yên tâm là hồ sơ 5 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 3 dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), có sử dụng vốn của Chương trình Phục hồi. Bởi, căn cứ bố trí vốn cho các dự án này đều chưa chắc chắn. Vì thế, để có thể yên tâm bấm nút, các vị đại biểu Quốc hội có quyền đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo hơn, từ các cơ quan chuẩn bị hồ sơ.

Với Quốc hội, mọi quyết định tiêu tiền đều không hề dễ dàng. Ở kỳ họp này, những lo ngại về thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản... vẫn đang còn đó, nhưng cân đối nguồn lực cho số lượng dự án quan trọng quốc gia nhiều kỷ lục từ trước đến nay cũng là việc không thể chần chừ, càng cần phải suy xét kỹ càng để những đồng tiền thuế của dân không lãng phí.

Vì thế, bên cạnh giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình Phục hồi theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, cơ quan giúp Quốc hội “gác cửa” ngân sách còn đề nghị Chính phủ rà soát, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân trong chậm triển khai các quy định của Nghị quyết.

Theo nghị trình, ngay tuần đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội và NSNN, trước khi thảo luận toàn thể trong phiên họp được truyền hình trực tiếp.

Thu nhập bình quân tăng 1 triệu đồng

Tham gia thẩm tra báo cáo kinh tế, xã hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, về cơ bản, thị trường lao động những tháng đầu năm 2022 có sự phục hồi và khởi sắc mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị quý I/2022 là 2,88%, giảm mạnh (giảm 2,21 điểm %) so với quý IV/2021. Đáng chú ý, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2022 tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Quốc hội họp trực tiếp, dành 2,5 ngày chất vấn

Chương trình chính thức của Kỳ họp thứ ba sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua trong phiên trù bị sáng nay (23/5). Theo dự kiến, Quốc hội sẽ họp trực tiếp cả kỳ 19 ngày, trong đó dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại cuộc họp báo cuối tuần qua, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đã nhận được 18 văn bản của các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị 29 nhóm vấn đề chất vấn liên quan đến Thủ tướng, 14 bộ trưởng, trưởng ngành và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Sau khi hết hạn nhận văn bản từ các đoàn (23/5/2022), sẽ tổng hợp, xin ý kiến các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi mới quyết định vấn đề chất vấn.
Tin liên quan
Tin khác