Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại. Ảnh: Đức Thanh |
Dòng vốn Hàn Quốc sẽ sớm sôi động trở lại
Làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam bị chững lại trong những tháng qua do dịch Covid-19. Với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, cùng Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng tới, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ sớm sôi động trở lại.
Lời khẳng định này của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ngài Park Noh Wan được doanh nghiệp Hàn Quốc củng cố thêm tại buổi đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam diễn ra cuối tuần trước.
Theo Đại sứ Hàn Quốc, trong các “đầu việc” cần ưu tiên lúc này là sớm bình thường hóa giao lưu nhân dân giữa hai nước để kịp thời hỗ trợ các hoạt động trao đổi thương mại và xúc tiến đầu tư.
Để tháo gỡ vấn đề này, Đại sứ Park Noh Wan đề nghị các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc thành lập nhóm làm việc để thúc đẩy bình thường hóa giao lưu nhân dân.
Ngoài ra, Đại sứ cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc giải quyết các thủ tục liên quan đến đầu tư - kinh doanh một cách thuận lợi, tránh phiền hà về thủ tục hành chính hay thủ tục thay đổi đăng ký đầu tư để mở rộng đầu tư. Đối với các dự án xây dựng quy mô lớn có doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia, ông Park Noh Wan kiến nghị phía cơ quan chức năng Việt Nam cần quan tâm hỗ trợ, tránh phát sinh khó khăn hành chính và tổn thất không đáng có cho nhà đầu tư.
Một loạt kiến nghị tháo gỡ vướng mắc được tập đoàn lớn như Samsung, Hyosung, Lotte… hoạt động những lĩnh vực then chốt như chế biến chế tạo, bất động sản, xây dựng, ngân hàng, năng lượng, nhưng đi kèm với đó là kỳ vọng Chính phủ Việt Nam, cơ quan chức năng Trung ương và địa phương sớm tháo gỡ các vướng mắc đó, để dòng vốn đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hồi phục nhanh chóng sau dịch.
Đại diện Samsung Việt Nam cho biết, theo Luật Đầu tư, nếu số vốn đầu tư tăng hoặc giảm nhiều hơn một tỷ lệ nhất định thì sẽ phải điều chỉnh và thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, thủ tục thực hiện lại rất phức tạp, tốn nhiều thời gian. Phía Samsung dẫn chứng, một công ty con của hãng này từng mất nhiều tháng để thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2019 và cũng suýt bị lỡ mất việc sản xuất sản phẩm mới.
Nếu đầu tư thực tế giảm so với số vốn đầu tư đã cam kết (đơn cử giảm từ 10% trở lên), thì doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. “Tuy nhiên, kiến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét đến các phương án cải thiện để doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục điều chỉnh phức tạp và có thể đầu tư thêm dễ dàng và nhanh chóng hơn, trong trường doanh nghiệp tăng số vốn đầu tư”, đại diện phía Samsung đề xuất.
Tắc đầu vào, tắc cả thủ tục
Trong khi đó, đại diện tập đoàn Lotte tỏ ra sốt ruột với hàng trăm tỷ won đã rót vào hai dự án lớn nhưng đang ì ạch tại TP.HCM, gồm Dự án Eco Smart City tại Thủ Thiêm do Lotte Properties HCMC triển khai và dự án nhà máy xử lý nước thải ở phía tây Thành phố do Lotte E&C xúc tiến thực hiện.
Vị đại diện này cho hay, công ty thành viên của Tập đoàn - Lotte Properties HCMC, được chọn làm chủ đầu tư Dự án Eco Smart City vào năm 2017 và đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án với UBND TP.HCM. Tính đến nay, số vốn và chi phí đã được đầu tư cho dự án Eco Smart City lên tới hàng trăm tỷ won, nhưng do các vấn đề về thủ tục hành chính, đặc biệt là công tác thanh kiểm tra các dự án bất động sản trên địa bàn, khiến Lotte không thể triển khai dự án theo kế hoạch từ sau năm 2018.
Còn với dự án nhà máy xử lý nước thải, Lotte E&C đã đề xuất phương án biến dự án này thành dự án PPP, cụ thể, tích hợp các nhà máy xử lý nước thải ở ba khu vực phía tây Thành phố thành một và xây dựng trên khu vực Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa hiện tại.
Tuy nhiên, đã qua 4 năm 7 tháng kể từ khi đưa ra đề án ban đầu, việc phê duyệt cấp giấy phép vẫn chưa được hoàn tất. Dự kiến sẽ mất một khoảng thời gian tương đối dài để phê duyệt đề án của dự án và lựa chọn nhà đầu tư cuối cùng bằng hình thức đấu thầu, đại diện Lotte lo ngại.
Trong khi đó, tài chính - ngân hàng, một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Hàn Quốc trong thời gian tới, các ngân hàng Hàn Quốc lại cho rằng, hiện nay rất khó khăn để thâm nhập và mở rộng thị trường tại Việt Nam, điều này trở thành rào cản trong hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Theo các ngân hàng Hàn Quốc, Việt Nam cần tăng cường cơ sở nền tảng cho nhu cầu tài chính khi các đầu tư Hàn Quốc tiến hành mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, cần cân nhắc đến bài toán hỗ trợ tài chính cho phương án hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam và khi tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp này vượt trên 30% quy mô nền kinh tế. Còn hiện nay, các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc cho biết, tỷ trọng tổng tài sản của các ngân hàng Hàn Quốc trong ngành ngân hàng Việt Nam chỉ mới đạt 1,54%.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định các hội nghị đối thoại doanh nghiệp mà Hội đồng thực hiện là một trong những nội dung nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tới đây tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử.
Từ các ý kiến của doanh nghiệp Hàn Quốc, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính sẽ hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.