Y tế - Sức khỏe
Tăng tốc tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 2
D.Ngân - 01/09/2021 12:17
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cần chủ động tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt vắc-xin.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát người đã tiêm mũi 1 và lập kế hoạch tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 cho những trường hợp đủ thời gian.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cần chủ động tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt vắc-xin.

Đồng thời, các đơn vị liên hệ ngay với Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur hoặc các Quân khu để tiếp nhận, vận chuyển vắc-xin về đơn vị theo quyết định phân bổ vắc-xin theo từng đợt của Bộ Y tế.

Về loại vắc-xin để tiêm mũi 2, Bộ Y tế đề nghị vẫn theo hướng dẫn cũ. Theo đó, người đã tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc-xin đó.

Trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc-xin Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin Astra Zeneca nếu người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần.

Các cơ sở không sử dụng vắc-xin Modema để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 Astra Zeneca.

Những người đã tiêm vắc-xin Sinopharm, Pfizer, Moderna mũi 1 thì mũi 2 chỉ tiêm vắc-xin cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách tiêm giữa hai mũi vắc-xin AstraZ eneca là tối thiểu 4 tuần, tốt nhất 8-12 tuần. Hai mũi vắc-xin Moderna cách nhau tối thiểu 4 tuần. Với vắc-xin Pfizer, hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần. Hai mũi vắc-xin Sinopharm cách nhau 3-4 tuần.

Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị báo cáo hàng ngày và báo cáo sau khi kết thúc đợt tiêm chủng. Đơn vị tiêm mũi 2 Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 bằng AstraZeneca cần báo cáo riêng.

Thống kê cho thấy hiện Việt Nam đã tiếp nhận hơn 27 triệu liều vắc-xin từ các nguồn khác nhau. Bộ Y tế đã phân bổ hầu hết số vắc-xin đã tiếp nhận về các địa phương, đơn vị.

Chúng ta đã tiêm hơn 19,7 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, hơn 14,7 triệu người đã được tiêm một liều vắc-xin và hơn 2,5 triệu người tiêm đủ 2 liều.

Được biết theo các chuyên gia hiện các vắc-xin đang lưu hành đều có tác dụng với biến thể Delta. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện cơ quan này đang theo dõi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 - tên gọi Mu, có khả năng kháng vắc-xin.

Biến thể Mu, có tên gọi khoa học là B1621, bùng phát ở Colombia hồi tháng 1/2021. Sau khi được phát hiện ở Colombia, biến thể Mu đã lan sang các quốc gia khác ở Nam Mỹ và châu Âu. Đây là biến thể được WHO phân loại là “biến thể đáng quan tâm”.

Theo WHO, biến thể Mu chứa các đột biến có khả năng kháng vắc-xin. WHO cho rằng, cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về biến thể này. “Biến thể Mu có chứa các đột biến với đặc tính cho thấy khả năng thoát miễn dịch”, WHO cho biết.

Theo thời gian, virus SARS-CoV-2 có những biến đổi và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến các đặc tính của virus. Tuy nhiên, một số đột biến có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm ở mức độ nghiêm trọng, có khả năng kháng vaccine và thuốc điều trị.

Đến nay, WHO xác định 4 biến thể virus SARS-CoV-2 ở mức “đáng lo ngại”. Trong số này, biến thể Alpha đã xuất hiện ở 193 quốc gia, vùng lãnh thổ, còn Delta xuất hiện ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tin liên quan
Tin khác