Doanh nghiệp
Tăng trưởng gần gấp 3 lần trong quý IV, lợi nhuận sau thuế của NAF có năm đầu tiên chạm mốc 100 tỷ đồng
P.V - 19/02/2024 11:36
CTCP Nafoods Group (HoSE: NAF) công bố lãi sau thuế quý IV/2023 đạt 14 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ, nhờ biên lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện. Kết thúc năm 2023, NAF vượt 3,5% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Cụ thể, doanh thu thuần quý IV/2023 của NAF đạt 377 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Nhưng nhờ Biên lãi gộp cải thiện mạnh 12,7 điểm phần trăm, lên mức 35,1%, giúp lợi nhuận gộp đạt 132,5 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tương tự 9 tháng đầu năm khi chi phí bán hàng giảm và chi phí quản lý tăng, lần lượt giảm 33,1% và tăng 46,1%, ở mức 29,3 tỷ đồng và 52,2 tỷ đồng. Tổng chi phí SG&A ở mức 81,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Từ những biến động trên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 12,9 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Cùng với việc ghi nhận khoản lợi nhuận khác 6,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 0,5 tỷ đồng giúp lợi nhuận sau thuế của NAF đạt 14 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của NAF đạt 1.732,5 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm trước. Biên lãi gộp cải thiện 5,8 điểm phần trăm lên mức 27,1% giúp lợi nhuận gộp đạt 468,8 tỷ đồng, tăng 24,7%. Lợi nhuận sau thuế đạt 109,7 tỷ đồng, tăng 37,4%, lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ đồng kể từ khi niêm yết (năm 2015). Biên lợi nhuận sau thuế đạt 6,3%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2022.

Năm 2023, NAF đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.125 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 106 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đạt 82% kế hoạch doanh thu và vượt 3,5% kế hoạch lợi nhuận.

Nguồn: Báo cáo tài chính Nafoods Group.


Công ty cho biết, năm 2023, dù gặp khó khăn ở thị trường Nga, công ty vẫn duy trì được doanh số so với năm trước, nhờ ngành kinh doanh các sản phẩm nước ép và rau quả đông lạnh (IQF) có sự tăng trưởng tốt. Biên lãi gộp cải thiện nhờ chuỗi cung ứng được quản lý tốt hơn, giúp tiết giảm chi phí, tận dụng được các cơ hội tốt từ thị trường. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2023 tăng do công ty tăng cường các hoạt động kiểm soát, quản trị rủi ro, tăng chi phí trích lập dự phòng.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của NAF đạt 2.035 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt 1.016 tỷ đồng, giảm 13%; tài sản dài hạn đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 77% so với đầu năm. Trong năm Công ty cũng đã hoàn tất giao dịch M&A, tăng sở hữu tại CTCP Thực phẩm Nghệ An và CTCP Nafoods Tây Bắc, và là nguyên nhân chính khiến tài sản dài hạn tăng mạnh.

Cơ cấu tài sản ngắn hạn cũng có sự dịch chuyển theo hướng lành mạnh hơn khi tổng các khoản tiền và tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi ngân hàng 3-12 tháng) cuối năm đạt gần 180 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 66,5 tỷ đồng đầu năm. Trong khi các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh từ mức 908 tỷ đồng đầu năm, xuống chỉ còn 497 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, số dư vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 578,5 tỷ đồng đầu năm lên 737,6 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm nhẹ từ 74,9 tỷ đồng xuống còn 71,7 tỷ đồng cuối năm.

Tin liên quan
Tin khác