Trong đó, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,75 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 14,9%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 11%).
Về các chỉ số tăng trưởng khác của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước; trong đó: tăng mạnh nhất là giá nhóm giao thông (tăng 3,54%), thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,38%), nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,3%). Hai nhóm có chỉ số giá giảm là: bưu chính - viễn thông và hàng ăn - dịch vụ ăn uống (đều giảm 0,03%).
Kinh tế đang tiếp tục xu hướng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng cao. Ảnh: Đức Thanh |
So với tháng 12/2014, CPI tháng 6 tăng 0,55%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 1%. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 0,86%/tháng. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 2,01%, bình quân 6 tháng tăng 2,24%.
Tốc độ tăng GDP quý II/2015 ước đạt 6,44%, cao hơn mức tăng 6,08% của quý I và cao hơn mức tăng cùng kỳ 5 năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 5 năm trước (cùng kỳ năm 2011: 5,92%; 2012: 4,93%; 2013: 4,9%; 2014: 5,22%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,36% (cùng kỳ năm 2014 tăng 2,96%); khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,09% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,93%); dịch vụ ước tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,56%).
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dự báo, nếu sản lượng dầu khai thác đạt mức 16,7 triệu tấn, tăng 400.000 tấn so với thực hiện của năm 2014 và ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ, thì tăng trưởng GDP cả năm 2015 không những có thể đạt mục tiêu là 6,2%, mà còn có thể đạt 6,4 - 6,5%.
Nhận định chung về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kinh tế phát triển cơ bản ổn định, tiến triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. “Đây là những tiền đề, điều kiện thuận lợi để chúng ta phấn đấu đạt, vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Nếu không có gì đột biến và chúng ta tiếp tục tập trung chỉ đạo, thì mục tiêu tăng trưởng đặt ra năm 2015 có thể đạt được, nhiều khả năng vượt”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Đánh giá cao cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” của nền kinh tế, như nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm hơn cùng kỳ; xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, khiến nhập siêu trong 6 tháng lên đến 3,75 tỷ USD, gây sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô; thu hút khách du lịch còn nhiều hạn chế; tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn rất chậm, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách chính phủ điện tử, cải cách dịch vụ công chưa được như mong muốn…
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng thực hiện đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư; thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
“Nhân dân không làm ăn tốt, doanh nghiệp không làm ăn tốt, chúng ta sẽ không có gì cả. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách, không thu hút đầu tư toàn xã hội, chúng ta sẽ không bao giờ có được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, Thủ tướng nhấn mạnh.