Tài chính - Chứng khoán
Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 7,25%, nhiều động lực cho năm tới
Tùng Linh - 12/12/2024 14:50
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ước tính, GDP năm 2024 tăng 7,06% nhưng hiện đã nâng mức dự báo lên 7,25%.
TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 7,25%

Chia sẻ tại Hội thảo Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 12/12, TS. Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng năm 2024 có sự bứt phá lớn, thậm chí có thể đạt 7,25% cả năm. Trước đó, các số liệu tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương ước tính GDP năm 2024 tăng 7,06% nhưng hiện đã nâng mức dự báo.

Trong năm 2024, Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo có trọng điểm, cầu thế giới đối với hàng hoá Việt Nam, nhờ đó tạo ra sự bứt phá tăng trương trưởng trong năm 2024 bất chấp diễn biến địa chính trị phức tạp, thị trường lớn từ 16 Hiệp định  thương mại tự do  FTA,…

Gần hết chỉ tiêu kế hoạch của một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản mà Quốc hội giao đã đạt và vượt kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP (%) đến 9 tháng năm 2024 chỉ đạt  chưa đến 30% trong khi kế hoạch 35%. Vốn khu vực nhà nước là điểm tựa nhằm duy trì sức của nền kinh tế sau Covid-19 và thiên tai. Vốn từ ngân sách trung ương chỉ giải ngân hơn 73%. Từ nay đến hết năm, chỉ còn 1 tháng nữa, khả năng đạt được mục tiêu này tương đối khó. Tuy nhiên, cam kết từ các đầu tàu như TP.HCM hay Hà Nội, mục tiêu trên vẫn có thế đạt được dù khó.

Có nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam  tăng trưởng theo chiều rộng, theo tính toán, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam tiệm cận theo chiều sâu với sự đóng góp yếu tố năng suất lao động trong khu vực nhà nước và khu vực dân cư, tư nhân. Trong khi đó, khu vực FDI thực sự tăng trưởng theo chiều rộng khai thác lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đặt ra vấn đề nên có chính sách phù hợp để thu hút dòng vốn FDI chất lượng.

Theo TS. Lương Văn Khôi, hiệu quả doanh nghiệp đã tăng lên gần gấp đôi so với 10 năm trước. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả chung chưa đạt kỳ vọng. Cụ thể như với doanh nghiệp dệt may, da giày và điện tử, là các nhóm ngành xuất khẩu trọng điểm, hiệu quả chỉ đạt khoảng 50% xét theo hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả quy mô. Tỷ trọng giá trị gia tăng bị tổn thất do phi hiệu quả/GDP là 1,8%. Nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố nội tại doanh nghiệp như trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ, con người… nhưng cũng bao gồm các yếu tố bên ngoài như môi trường đầu tư kinh doanh, những cú sốc tại thị trường toàn cầu, phản ứng của Việt Nam trước những cú sốc... Các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu là đang gia công nên giá trị mang lại thấp.

Đây cũng là ẩn số lớn bởi nếu có thể khắc phục được yếu tố nội tại và yếu tố bên ngoài khai thông được hiệu quả doanh nghiệp, riêng các ngành trên đã có thể tăng thêm 1,8% GDP. Nếu yếu tố trên được cải thiện, đại diện từ CIEM cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng hai con số.

Nhiều động lực cho sự bứt phá về tăng trưởng

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sẽ còn nhiều ẩn số khác trong năm tới. Dự báo xu hướng thế giới năm 2025, tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp cũng sẽ là ẩn số quan trọng ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, nhất là với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Đối với Mỹ, TS. Lương Văn Khôi kỳ vọng không gian chính sách vẫn còn nhiều, nhìn chung sẽ theo xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này tác động lớn đến tỷ giá và thị trường vốn. Ngoài ra, khả năng Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu sẽ ảnh hưởng đến nguồn đầu tư quốc tế vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, chính quyền Trump có thể ưu tiên khai thác nguyên liệu hoá thạch tăng mạnh, nhờ đó giá dầu sẽ giảm, tác động đến giá đầu vào sản xuất.

Theo TS. Lương Văn Khôi, khả năng xuất khẩu của hàng hoá Việt Nam năm 2024 ước đạt 800 tỷ USD, kỳ vọng tăng mạnh hơn năm 2025. Dù tăng trưởng kinh tế của 5 nền kinh tế đối tác lớn sẽ cải thiện và suy giảm đan xen, nhu cầu hàng hoá thế giới, đặc biệt 5 đối tác lớn sẽ tăng mạnh. Do đó, năm 2025, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn có sự bứt phá về tăng trưởng.

Một số động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 được đại diện CIEM chỉ ra. Trong đó, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát trong năm 2025. Đồng thời, cả ba khu vực kinh tế vẫn đang tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn. Mức sống dân cư có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt để giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước. Tình hình xuất khẩu và thu hút FDI vẫn là điểm sáng với tốc độ tăng trưởng tích cực.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện nhất là đường bộ cao tốc được kéo dài và mở rộng ra nhiều địa phương giúp tăng kết nối liên vùng, đường điện cao thế 500kv mạch 3 được đưa vào khai thác giúp đảm bảo ổn định năng lượng giữa các vùng, nhất là vào mùa khô. Thu Ngân sách Nhà nước năm 2024 tăng mạnh là cơ sở để Nhà nước tiếp tục tăng chi đầu tư công và chi thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trong năm 2025. Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết.

Theo ông Khôi, thể chế phát triển cho năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nhờ nội dung hoàn thiện thể chế có những đổi mới dễ nhận diện, dễ quan sát hơn. Sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các địa phương tiếp tục được nâng cao vì cách điều hành của Chính phủ một số năm gần đây luôn đặt sự nỗ lực và quyết tâm lên hàng đầu, nhất là 2025 lại là năm "về đích" của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, làm nền tảng cho xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp phục hồi và có sự tăng trưởng, phát triển khá. Song song đó, hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ CMCN 4.0 trong doanh nghiệp và hệ thống chính trị sẽ diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt trong năm tới.
“Trong việc ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Xét tại lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, AI giúp dự đoán xu hướng thị trường và cải thiện trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hoá chuỗi cung ứng. AI được dự đoán sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030. Các quốc gia phải bắt kịp xu hướng AI và dự đoán vai trò ngày càng tăng của AI trong quyết định của người tiêu dùng. Do vây, đại diện CIEM cũng nhấn mạnh việc sử dụng AI là một trong những yêu cầu cấp bách phải thực hiện.

"Một khi ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không có nhiều hoài nghi về tốc độ tăng trưởng hai con số”, TS. Lương Văn Khôi dự báo.

Tin liên quan
Tin khác